Họ Trần kể từ khi cụ Thủy tổ Trần Phúc Nhân đến lập ấp
tại làng Hoàng Xá đến nay
đã gần 400 năm, con cháu ngày nay đã đến đời thứ 17. Họ Trần làng Hoàng Xá từ
đời này qua đời khác có nhiều người có học thức, có chức vụ, sống đạo đức, đã cống hiến công sức vào công cuộc bảo vệ
và xây dựng quê hương, đất nước.
Sách có câu: "Nhân bản hồ tổ". Mọi vật có nguồn gốc từ đất trời mà hóa sinh không dứt, người ta có nguồn
gốc từ tổ tiên mà sinh hóa khôn cùng. Tông
phái của người ta cũng như mọi vật của trời đất vậy. Dòng họ có bản tộc phả
cũng như trời có nhật nguyệt tinh tú, như đất có sông núi cỏ cây để muôn đời
mai sau khi trông thấy hình ảnh trăng sao, sông núi cỏ cây thì biết nguyên lưu
dòng họ còn mãi mãi ở đó.
Các cụ tổ của họ Trần Hoàng xá cũng đã sớm nhận thức được ý
nghĩa lớn lao của tộc phả đối với các thế hệ con cháu. Gia phả cổ nhất của dòng
họ được cụ Tổ đời thứ 5 ngành Ôn Chất chắp bút. Cụ Tổ đời thứ sáu tìm
hiểu, nghiên cứu viết bổ sung nhằm để lại cho con cháu đời sau. Thế nhưng, “vào
một phen mưa gió, tài sản, Gia Phả bị bọn gian cướp mất, đến nỗi dòng họ các
đời chỉ biết mờ mờ như mây phủ.”
Tiếp nối ý chí
ông cha, cụ Tổ đời thứ 7 – Trần Hữu Chế (tức Hữu Tiễn) – với tư chất “vốn thông
minh, thủa nhỏ theo nghiệp sách đèn, đọc khắp các bộ sử của Bách gia, xem rộng
đến tứ thư, ngũ kinh, đi thi đỗ được đệ nhị trường” đã dày công lại viết Tộc
Phả. Song, lại một lần nữa bọn cướp bạo tàn đã cướp đi phân nửa tư trang và Gia
Phả của dòng họ.Bài đăng
Cụ tổ đời thứ 8 - Trần Hữu Vinh - nguyên được Triều Đại Nam
phong Thập Lý Hầu lại dầy công biên soạn Gia Phả một lần nữa. Cụ đã thận
trọng, tỉ mỉ, tìm hiểu, nghiên cứu cho thật rõ ràng, đi đến các từ đường của
các chi lớn, chi nhỏ, chọn lấy sách vở ghi chép của các chi Giáp, chi Ất, chi
Bính, xem xét kỹ càng, tìm hiểu thật đầy đủ, suy nghĩ nghiền ngẫm để nắm bắt
lấy. Lại tìm hiểu tra cứu rộng khắp các nơi, tham khảo, hỏi han đủ mọi chỗ để
truy tìm đến nguồn, đến ngọn, đem những điều mình biết được biên soạn thành Gia
Phả của Chi Bính (tức ngành Ôn Từ).
Cụ Trần Hữu Huệ đời thứ 11 và cụ
Trần Hữu Oánh - con trai cả cụ Huệ - đã tiếp tục ghi tiếp Phả. Phần phả ký
ngành Ôn Chất đã được các cụ viết khá kỹ với nhiều thông tin rất quý báu.
Vào năm 1900, cụ Trần Quang
Thước đời thứ 11 Chi Giáp đã viết: Trần Phúc Tộc Phả và Trần Phúc Tiểu Tôn Phả
(Phả Chi Giáp).
Vào
năm 1972 và các năm sau đó, cụ Trần Hữu Mẫn, Trần Hữu Tài (đời 13 ngành Đức
Nghiệp) khi sơ tán về quê hương đã nhận biết nhu cầu thông tin về các cụ tổ
cũng như mối quan hệ huyết thống giữa các thành viên trong họ, hai cụ đã đọc,
dịch các bản di thảo viết bằng chữ nôm còn được lưu giữ tại các nhà thờ, các
gia đình, đồng thời 2 cụ đã tìm hiểu thông tin của các cụ cao tuổi, các gia
đình trong họ và đã viết tóm tắt gia phả họ Trần làng Hoàng Xá. Bản gia phả này
đã thể hiện được cơ bản phả hệ từ đời cụ Thuỷ tổ Trần Phúc Nhân tới con cháu
đời thứ 13, 14; Phần phả ký đã viết được thêm được một số cụ ngành Đức Nghiệp.
Tuy vậy, bản Gia phả này còn có một số hạn chế như sau:
-
Các cụ bị phạt tự (không có
con trai nối dõi) đã không được đưa vào phả hệ.
-
Gái họ, dâu họ, rể họ chưa
được đưa vào phả hệ.
-
Một số tên của các cụ chưa
dịch được.
-
Chưa xây dựng phả đồ.
-
Không ghi trích dẫn cụ thể
các tài liệu đã đọc, dịch và tham khảo.
-
Ghi chép bằng tay, nên một số
chữ hiện nay rất khó đọc.
Vào những năm 1990-2000,
họ ta đã tiến hành tìm hiểu thông tin dòng tộc một cách khá bài bản và đã đạt
được những kết quả rất quan trọng:
-
Đã thuê, hợp tác với các chuyên gia chữ nôm dịch 08 bản di khảo của dòng
họ đang được lưu giữ (cụ Phan Văn Cát nguyên Viện trưởng Viện Hán nôm dịch tài
liệu V, VI, VII, VIII, Cử nhân Nguyễn
Phúc Tăng người làng Hoàng Xá dịch các tài liệu I, II, III, IV):
Bản gốc I: Trần Quang Thiêm uỷ quyền trưởng cho
Trần Quang Huy ( Năm 1843)
Bản gốc II: Quy định của họ việc tế lễ Xuân Thu nhị
kỳ hàng năm, việc thu bổ, quĩ, ruộng của họ (Năm 1845)
Bản gốc
III: Trần Tộc Giáp Chi Gia Phả -Trần Phúc Tộc Phả do cụ tổ đời thứ 11 Trần
Quang Thước viết ngày 09/8/1900
Bản gốc
IV: Phả Chi Giáp - Trần Phúc Tiểu Tôn Phả do cụ tổ đời thứ 11 Trần Quang Thước
viết ngày 09/8/1900.
Bản gốc
V: Di thảo của Trần hữu Vinh
Bản gốc
VI: Vạch ra trong gia phả việc anh em bất hoà
Bản gốc
VII: Phả Chi Ất - Trần Hữu Huệ viết
Bản gốc
VIII: Sơ lược về sự nối dõi Chi Ất - Trần Hữu Huệ viết
-
Từ
các tài liệu này, cụ Nguyễn Phúc Tăng đã soạn thảo tài liệu: “TRẦN PHÚC TỘC –
THƯ TÍCH, TỘC PHẢ”, đây là tài liệu rất quý của họ ta. Tài liệu này gồm 04 phần
chính sau:
+
Mục lục
+ Lời đề dẫn nhân ngày rước tổ về nhà thờ mới ngày
21/1/2000
+ Tóm tắt về sự phát triển của dòng họ
+ 08 tài liệu gốc, bản dịch phiên âm, bản dịch
nghĩa.
Tuy vậy, “TRẦN PHÚC TỘC – THƯ TÍCH -
TỘC PHẢ” chưa được hoàn chỉnh theo cấu trúc đầy đủ, hiện đại của một TỘC PHẢ.
Có lời mở đầu, có phả hệ (Phần Tóm tắt về sự phát triển của dòng họ tương đương
với phần Phả hệ) và 08 thư tích. Nhưng còn thiếu các phần: Phả ký; Phả
đồ; Nhà thờ, Hương hoả; Thủ tục, Quy ước; Vẫn
được viết bằng tay, hiện một số chữ rất khó đọc.
Nhận biết được tầm quan trọng của Tộc phả, tại ngày
giỗ tổ họ 13/8 năm Tân Mão (2011), họ ta đã quyết định xây dựng Tộc phả.
Ban xây dựng Tộc phả đã được
thành lập với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng
Tộc phả của họ. Đây là một việc lớn, quan
trọng, đòi hỏi phải nhiều công sức, trí
tuệ và thời gian. Quá trình xây dựng Tộc phả
được tiến hành qua hai giai đoạn: giai đoạn thu thập thông tin và giai đoạn xử
lý thông tin, biên soạn tộc phả. Để thông tin có căn cứ xác thực, Ban xây dựng Tộc phả đã tiến hành:
- Thu
thập và nghiên cứu tất cả các tài liệu hiện có tại nhà thờ Họ, nhà thờ Bản chi,
nhà thờ các Ngành;
- Phỏng
vấn có ghi âm các cụ cao niên trong họ và trong làng về các thông tin liên quan
đến dòng họ.
- Thu
thập và nghiên cứu các tài liệu liên quan của Đình làng, Chùa làng; các gia
phả, tộc phả, tài liệu của các dòng họ khác trong làng Hoàng Xá, quê hương Vân
Đình và tộc phả họ Trần tại các địa phương khác.
- Thu
thập và nghiên cứu các sách, tài liệu liên quan đến dòng họ và quê hương Hoàng
Xá, Vân Đình.
- Thu
thập thông tin của tất cả các thành viên họ Trần hiện có bao gồm cả trai họ,
gái họ, dâu họ, rể họ.
Sau
khi có các thông tin cần thiết, chúng tôi đã cùng
nhau thảo luận, xử lý thông tin, biên soạn
từng nội dung, từng mục của Tộc phả.
Tộc phả họ Trần có những
nội dung chính sau: Thông tin chung; Lời mở
đầu; Phả ký, Khởi tổ; Phả đồ; Nhà thờ, Hương hoả; Thủ tục, quy ước;
Cùng với việc xây dựng Tộc phả theo cách truyền
thống (viết trên giấy), chúng tôi đã xây dựng trang Web của họ Trần làng Hoàng
Xá với các trang chính: Thông tin chung; Lời mở đầu; Phả ký, Phả đồ, Hương
hoả, Thủ tục, Quy ước, Tin tức, bài viết, Album ảnh.
Chúng
tôi hy vọng, với Trang Web dòng họ, Tộc phả họ Trần cùng các thông tin về dòng
họ cũng như thông tin của từng thành viên sẽ đến với tất cả con cháu họ Trần
làng Hoàng Xá trên mọi miền đất nước cũng như trên thế giới một cách tiện ích
nhất. Chúng tôi gửi lời cám ơn chân thành tới trang Website Phahe.vn đã trợ
giúp kỹ thuật và duy trì trang Họ Trần Hoàng Xá, Vân Đình trên Phahe.vn.
Phần vì tư liệu có thể
còn chưa được đầy đủ, phần vì trình độ người biên
soạn còn hạn chế, chắc không tránh được thiếu sót. Rất mong được sự góp
ý, bổ sung của tất cả thành viên trong họ để Tộc phả và trang Web họ Trần Hoàng
xá Vân Đình ngày một hoàn chỉnh.