I . HỌ
TRẦN Ở VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI
1. Họ Trần
trên thế giới
Họ Trần có ở Trung Quốc, Việt Nam,
Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và một số nước khác trên thế giới. Đây cũng là
tên của một triều đại của lịch sử Việt Nam và một triều đại khác ở Trung Quốc. Tại
Việt Nam, họ Trần là họ phổ biến thứ hai chiếm 12,1%, sau họ Nguyễn (38,4%). Tại
Trung Quốc, họ Trần đứng thứ 5 về số người và phổ biến hơn tại miền Nam Trung
Quốc. Tại Đài Loan, đây cũng là họ phổ biến nhất, chiếm 11% dân số.
Tại Singapore, họ này thỉnh thoảng
được viết với ký tự Latinh là Chern. Theo tiếng Quảng Đông, họ này cũng được
viết với ký tự Latinh là Chan. Một số cách viết Latinh khác (từ các phương ngữ
khác nhau) cũng có thể bắt gặp là Tan (Tân) (tiếng Mân Nam), Tang, Ding (tiếng
Hokchew), Chin (tiếng Khách Gia, tiếng Nhật), Chun hay Jin (tiếng Triều Tiên),
Zen (giọng Thượng Hải).
Theo lối chiết tự, chữ Trần còn có
thể đọc là Đông A (vì được ghép từ hai chữ Đông ( 東 ) và A ( 阿 )). Khi nhà Trần
tại Việt Nam thành công trong việc chống lại sự xâm lược của nhà Nguyên, khí thế
chiến đấu của quân dân nhà Trần còn được gọi là "hào khí Đông A".
2. Họ Trần và
Triều Trần Việt Nam
Có tài liệu viết rằng: Tổ tiên
của dòng dõi họ Trần Việt Nam có nguồn gốc dân tộc Mân ở quận Tần Châu, tỉnh
Phúc Kiến, Trung Hoa. Ông Trần Quốc Kinh từ Phúc Kiến sang Việt Nam vào khoảng
năm 1110, thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), lúc đầu cư trú tại xã An Sinh,
huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay; sống bằng nghề chài lưới trên sông
nước, trên đường làm ăn chuyển dần vào hương Tức Mạc, huyện Thiên Trường, nay
là vùng đất thuộc Thái Bình - Nam Định. Trần Quốc Kinh lấy vợ ở Tức Mạc, sinh
ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghị. Trần Lý sinh ra Trần
Tự Khánh và Trần Thừa - sau được tôn là Trần Thái Tổ. Trần Hoằng Nghị sinh được
ba người con trai: Trần An Quốc, Trần An Bang và Trần Thủ Độ.
Tại Việt Nam, Nhà Trần hoặc Trần triều là triều đại phong kiến trong
lịch sử kéo dài 176 năm, bắt đầu từ khi vua Thái Tông lên ngôi năm 1225 sau khi
giành quyền lực từ tay nhà Lý và chấm dứt khi vua Thiếu Đế, khi đó mới có 5
tuổi bị ép thoái vị vào năm 1400 để nhường ngôi cho ông ngoại là Hồ Quý Ly tức
Lê Quý Ly. Khi nhà Lý bắt đầu suy yếu, người đứng đầu dòng họ Trần ở đây là
Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, nhưng người đặt nền móng cho sự ra đời chính thức
của nhà Trần là Trần Thủ Độ. Nhà Lý suy vi, quyền lực rơi hết vào tay Trần Thủ
Độ. Sau khi ép Lý Chiêu Hoàng (7 tuổi) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (lúc
8 tuổi) thì thời đại của nhà Trần chính thức bắt đầu năm 1225. Trong khoảng 176
năm trị vì, nhà Trần đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt ba lần kháng chiến chống
quân Nguyên thành công vào các năm 1258, 1285 và 1288. Kể từ đời vua Dụ Tông
thì triều đại nhà Trần đã suy yếu đi vì nhiều lý do, chủ yếu là do sự mục nát
và yếu kém của hệ thống quan lại. Cuối cùng vào năm 1400, Hồ Quý Ly đã cướp
ngôi nhà Trần, chấm dứt 176 năm trị vì.
Theo đánh giá của các sử gia, việc
nhà Trần lên thay nhà Lý vào đầu thế kỷ 13 là cần thiết và kịp thời cho sự phục
hưng nước Đại Việt bị suy yếu nghiêm trọng cuối thời nhà Lý. Nếu không có sự
xuất hiện của nhà Trần, nước Đại Việt sẽ khó tồn tại trong cảnh cát cứ bên
trong và họa Mông - Nguyên bên ngoài. Nguyên nhân cơ bản nhất cho những thành
công của nhà Trần là chính sách đoàn kết nội bộ của những người lãnh đạo và sự
ủng hộ của đông đảo dân chúng. Còn một nguyên nhân nữa phải kể tới trong thành
công của nhà Trần là đội ngũ tướng lĩnh xuất sắc, nòng cốt lại chính là các
tướng trong hoàng tộc nhà Trần. Dù xuất thân quyền quý nhưng các hoàng tử, thân
tộc nhà Trần, ngoài lòng yêu nước và bảo vệ quyền lợi dòng tộc, số lớn là
những người có thực tài cả văn lẫn võ. Thật hiếm dòng họ cai trị nào có nhiều
nhân tài nổi bật và nhiều chiến công như nhà Trần, đặc biệt là thế hệ thứ hai:
Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật đều là những
tên tuổi lớn trong lịch sử Việt Nam. Đó là chưa kể tới Trần Thủ Độ, Trần Khánh
Dư, Trần Quốc Toản... Mông - Nguyên đương thời là đế quốc lớn nhất thế
giới. Thế nhưng nước Đại Việt lúc đó nằm liền kề trên đại lục Trung Hoa, chung
đường biên giới cả ngàn dặm với người Mông mà người Mông vẫn không đánh chiếm
được. Một đế quốc đã bao trùm cả đại lục Á-Âu mà không lấy nổi một dải đất bé nhỏ ở phía nam. Có so sánh
tương quan lực lượng với kẻ địch và vị trí địa lý với những quốc gia làm được
điều tương tự mới thấy được sự vĩ đại của chiến công 3 lần đánh đuổi Mông -
Nguyên của nhà Trần. Là con cháu Trần tộc, chúng ta thật tự hào về các vị Tiên tổ họ Trần Việt Nam.
3. Họ
Trần Việt Nam trong giai đoạn mới
Ở các triều đại phong kiến sau này, giai đoạn
Pháp chiếm đóng, giai đoạn đất nước bị chia cắt cũng như giai đoạn Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay, giai đoạn nào cũng
có những nhân vật họ Trần xuất chúng, được sử sách lưu danh tiếng và sự nghiệp.
Đối với cách mạng Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến các tên tuổi các
vị:
· Trần Phú - Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
· Trần Đức Lương - nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
· Trần Đại Quang - Đại tướng, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, cựu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Còn biết bao, biết bao người con họ Trần xuất chúng
mà ta khó có thể điểm danh hết trong mọi lĩnh vực. Đó là các quan chức, chính
khách hàng đầu của bộ máy chính quyền nhà nước; là các tướng lĩnh trong lực
lượng quốc phòng, an ninh; là các doanh nhân, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực
kinh tế; là các giáo sư, các nhà khoa học kỹ thuật hàng đầu quốc gia; là các
văn nghệ sỹ suất sắc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; là các kiện tướng hàng đầu
trong lĩnh vực thể dục, thể thao.
4. Hoạt động của họ Trần Việt Nam
Ngày 7/5/1995, Ban liên lạc họ Trần Việt Nam
chính thức được thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (vốn gốc dòng họ Trần) được
bầu làm Chủ tịch danh dự, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ (tức Trần Văn Long)
làm trưởng ban. Trải qua 25 năm hoạt động, tất cả con cháu họ Trần đã phát huy
khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với bách gia trăm họ xây dựng và có nhiều
đóng góp cho sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, Ban Chấp hành họ
Trần các tỉnh, thành phố cả nước đều tổ chức họp mặt vào ngày 18 tháng giêng
(giỗ Tổ) và vào ngày 20 tháng 8 âm lịch (giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo) để tế lễ,
tri ân tổ tiên.
Tại Thủ đô Hà Nội, hàng năm, Ban Chấp hành họ
Trần Việt Nam cũng tổ chức lễ dâng hương và có nhiều đoàn tế lễ Đức thánh Trần
Hưng Đạo tại đền Ngọc Sơn trang nghiêm, thành kính. Cùng với các hoạt động
trên, Ban Chấp hành họ Trần đặc biệt chú trọng công tác kiện toàn tổ chức, phát
triển dòng họ kể cả chiều rộng và chiều sâu. Đến nay trên toàn quốc đã có gần
40 tỉnh, thành phố thành lập chi nhánh họ Trần, với hàng chục vạn hội viên.
Tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội; TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Bắc Ninh,
Hưng Yên, Bắc Giang, Lao Cai, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế,
Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Trà Vinh…một số tỉnh, thành phố đã tổ chức họ Trần 3 cấp.
Ngày 14/12/2015, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại
hội đại biểu họ Trần Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Tại đại hội,
các đại biểu đã thống nhất bầu Ban Chấp hành mới họ Trần Việt Nam gồm 75 thành
viên. Anh hùng Lao động, nghệ nhân Trần Văn Sen được bầu làm Chủ tịch. Phát
biểu tại lễ ra mắt, tân Chủ tịch Trần Văn Sen cho biết, mục tiêu tổng quát của
Ban Chấp hành họ Trần khóa V là: “Tăng cường các hoạt động giáo dục truyền
thống, phát triển dòng họ cả về chiều rộng và chiều sâu. Tiếp tục thực hiện
phương châm: Đoàn kết - Đồng thuận - Đổi mới và phát triển. Củng cố, kiện toàn
và đẩy mạnh hoạt động của Ban Chấp hành họ Trần từ trung ương đến cơ sở. Phối
hợp chặt chẽ với các dòng họ trên cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát
triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền
đất nước. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài; xây dựng đời sống văn hóa
chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu: "Dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
II. HỌ TRẦN LÀNG HOÀNG XÁ, VÂN ĐÌNH
1. LỊCH SỬ, NHÀ THỜ, CHI, NGÀNH:
Họ Trần là một trong những họ xuất
hiện sớm nhất của làng Hoàng Xá. Theo các chứng thư, di khảo còn được lưu giữ,
thì cụ Thuỷ tổ của họ Trần Hoàng Xá là cụ Trần Phúc Nhân. Cụ Phúc Nhân
đến lập ấp tại làng Hoàng Xá vào khoảng cuối thế kỷ XVI, trước năm Vĩnh Hựu nhà Lê, không rõ từ đâu di
cư đến. Cụ sinh vào năm Canh Ngọ, giỗ ngày 13 tháng 8 âm lịch. Mộ táng tại cánh
đồng Giữa, làng Đình Tràng (hiện nay mộ cụ Thủy tổ ở ngay cạnh bên phải đường
21B (hướng Hà Đông - Vân Đình) cách ngã ba rẽ vào làng khoảng 300m). Cụ Tổ bà
là con gái thứ 2 họ Nguyễn, hiệu Từ Tâm, giỗ ngày 02 tháng 10. Cụ Thủy tổ Trần
Phúc Nhân sinh một con trai duy nhất là cụ Thứ tổ Trần Phúc Lương, giỗ ngày 10
tháng 3, mộ táng tại nghĩa trang làng Hoàng Xá. Cụ Phúc Lương sinh được hai con trai là cụ Trần Phúc Thịnh và cụ Trần
Phúc Độ. Họ Trần Hoàng Xá có hai chi là chi Giáp và chi Ất. Cụ Tổ Chi Giáp là
cụ Trần Phúc Thịnh, giỗ ngày 25 tháng 7, mộ táng tại nghĩa trang làng Hoàng Xá. Cụ Tổ chi Ất là cụ Trần Phúc Độ, giỗ
ngày 09 tháng 3, mộ táng tại cánh đồng Làng Hậu Xá, xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa.
Nhà thờ họ
còn gọi là nhà thờ Chi Giáp (chi
Trần Trên) thờ cụ Thuỷ tổ Trần Phúc Nhân, cụ Thứ tổ Trần Phúc
Lương, cụ tổ Chi Giáp Trần Phúc Thịnh và các cụ
thừa kế Chi Giáp. Cụ Trần Phúc Thịnh là con trai trưởng của cụ Thứ tổ Trần Phúc
Lương. Nhà thờ họ Trần qua nhiều đời nguyên là một nhà thờ to của làng Hoàng Xá
và ở gần nhà thờ Chi Ất hiện tại. Đến đời thứ 12, Trưởng họ là cụ Trần Quang
Xưởng. Vào khoảng năm 1920-1930, cụ Quang Xưởng đã bán nhà thờ họ cho cụ Bá Vấn
- người hàng xóm và là một người giàu có và có quyền lực ở
làng, sau đó cụ mua mảnh đất nhỏ sau nhà thờ họ Đỗ
Đặng để làm nhà ở và rước Tổ về thờ. Nhiều người nói cụ Xưởng bán nhà thờ để
mua chức Lý Trưởng ở làng. Trưởng họ đời thứ 13 là cụ Trần Quang Sắc. Cụ Sắc có con trai Trần Quang Khải
là liệt sĩ. Sau khi Cụ bà Trần Quang Sắc qua đời, họ lập ông Trần Quang Điển
(đời thứ 14) là con trai trưởng của cụ Trần Quang Tố
(con thứ) làm trưởng họ. Năm 2000, theo thỏa thuận giữa
gia đình ông Quang Điển và họ, nhà thờ họ đã được chuyển về nhà ông
Trần Quang Điển. Trải dài gần một thế kỷ, nhà
thờ họ nhỏ bé không xứng tầm với một họ lớn, đây là nỗi niềm trăn trở của nhiều
thành viên trong họ. Năm 2014-2015, họ ta đã đồng lòng xây dựng nhà thờ mới,
khang trang, to đẹp với tổng diện tích khoảng 400m2, trên mảnh đất
(nguyên là ao của chi Ất) được nhà Trưởng chi Ất và toàn thể thành viên chi Ất
cung tiến, có mua thêm 70m2 đất mặt tiền. Năm 2016, sau khi ông Quang Điển mất, con trưởng ông Quang Điển là Trần Quang Tuân thừa kế Trưởng họ.
Nhà thờ chi Ất (chi Trần
dưới) thờ cụ Tổ chi Ất là Trần Phúc Độ và các cụ thừa kế chi Ất. Cụ Phúc
Độ là con trai thứ của cụ Thứ tổ Trần Phúc Lương, và là cháu nội cụ Thủy tổ
Trần Phúc Nhân. Nhà thờ chi Ất được các vị tiền nhân xây dựng năm 1905, đến năm
1946 bị phá hủy khi chính quyền Việt Minh chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Năm
1953 được xây dựng lại và hoàn thành đúng vào ngày giỗ Tổ bản chi. Trưởng chi
Ất là ông Trần Hữu Dụng đời thứ 14. Khi ông Hữu Dụng mất, con trai trưởng là
Trần Hữu Du thừa kế Trưởng chi. Con cháu chi Ất thường có tên đệm là Hữu, ngoài ra
có một số đệm là Văn. Sang đời thứ 5 chi Ất phân làm 2 phân chi: Phân chi
Trưởng Ất do cụ Trần Thuần Chất thừa kế, giỗ ngày 18/12; Phân chi Tiểu Ất do cụ Trần Phúc Ân
thừa kế, giỗ ngày 10/7. Con cháu phát triển ngày một đông, phân chi Tiểu Ất lại được phân làm
ba ngành:
Ngành Ôn Chất thờ cụ Trần Ôn Chất, giỗ ngày 9/9 (đời thứ VII- con trưởng cụ Phúc Chính) do Trần Hữu
Tiến (đời 15) con trưởng ông Trần Hữu Tân thờ tại số nhà 18, Yên Phúc Văn
Quán, Hà Đông.
Ngành Ôn Từ thờ cụ Trần Ôn Từ, giỗ ngày 05/2 (đời thứ VII - con thứ cụ Phúc Chính) do cụ Trần Hữu Hợp (đời
13) thờ tại nhà ở làng Hoàng Xá, Vân Đình.
Ngành Đức Nghiệp thờ cụ Trần Đức Nghiệp, giỗ ngày 20/12 (đời thứ VI - con thứ cụ Phúc Ân) do ông Trần Hữu Kiểm
(đời 14) con trưởng của cụ Trần Hữu Cần thờ tại số nhà 39, Châu Long, Hà Nội.
(Xem Bản đồ Họ Trần Hoàng Xá https://www.google.com/maps/d/u/0/viewer?mid=1hUKNzNXXD4hO4dpKVNed82QDL08jdC4x&ll=20.728182785037657%2C105.77779679953608&z=15)
(Xem Bản đồ Họ Trần Hoàng Xá https://www.google.com/maps/d/u/0/viewer?mid=1hUKNzNXXD4hO4dpKVNed82QDL08jdC4x&ll=20.728182785037657%2C105.77779679953608&z=15)
2. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM DÒNG HỌ
2.1 Tộc tính:
Làng Hoàng Xá, Vân Đình chỉ có một
họ Trần. Tên đệm không thống nhất. Ba đời đầu đều có tên đệm là Phúc: Phúc
Nhân, Phúc Lương, Phúc Thịnh, Phúc Độ. Các đời sau tên đệm có thay đổi. Ở chi
Giáp: từ đời thứ 4, dòng trưởng Chi Giáp và nhiều hộ có tên đệm là Quang, một
số có tên đệm là Đa, Nguyên, Ngọc. Ở chi Ất, tên đệm là Phúc được sử dụng thêm một
vài đời nữa, từ đời thứ 7 phần lớn có tên đệm là Hữu, một số nhỏ có tên đệm là Văn,
Ngọc.
Những năm gần đây, phần lớn các hộ vẫn lấy tên đệm theo nếp xưa, có một phần
nhỏ lấy tên đệm theo sở thích riêng, do vậy tên đệm có phần phong phú hơn.
2.2 Nhân khẩu
Họ Trần là một họ lớn, có số thành
viên vào hàng đầu trong các họ của làng Hoàng Xá. Từ cụ Thủy Tổ Trần Phúc Nhân đến 31/12/2019 đã có 18 đời với tổng số thành viên là 1.925, đã mất 718, số thành viên hiện có là 1.207 người. Số thành viên của họ bao gồm
trai họ, gái họ và dâu họ qua 3 lần thống kê gần đây tăng trưởng khá nhanh: năm
1970 có 522 thành viên; năm 1983 có 715 thành viên, tăng 37%; tháng 12/2019 có 1.207 thành viên, tăng 69%, trong đó, số thành viên chi Giáp là 240, số
thành viên của chi Ất là 967 chiếm 75% tổng số thành viên họ. Trong chi Ất thì
ngành Ôn Chất có 345 thành viên, ngành Ôn Từ có 391 thành viên là hai ngành có
nhiều thành viên hơn cả, phân chi Trưởng Ất 64 thành viên, ngành Đức Nghiệp 165
thành viên. Tính theo suất đinh, cả họ có 468 thành viên, chi Giáp 93 thành
viên, chi Ất 375 thành viên. Trong chi Ất, phân chi Trưởng Ất 22 thành viên,
ngành Ôn Chất 140 thành viên, ngành Ôn Từ 152 thành viên, ngành Đức Nghiệp 61thành viên.
Bảng số liệu thành viên toàn họ và các chi, ngành cuối tháng 12/2019:
HIỆN TẠI THÁNG
12/2019
|
ĐÃ MẤT
|
TỔNG SỐ
|
|||||||||||
Tổng
|
Chi Giáp
|
Chi Ất
|
Trưởng Ất
|
Ôn Chất
|
Ôn từ
|
Đức Nghiệp
|
Tổng
|
Chi Giáp
|
Chi Ất
|
Tổng
|
Chi Giáp
|
Chi Ất
|
|
NỮ
|
739
|
147
|
592
|
42
|
205
|
239
|
104
|
411
|
87
|
324
|
1150
|
236
|
914
|
NAM
|
468
|
93
|
375
|
22
|
140
|
152
|
61
|
307
|
63
|
244
|
775
|
157
|
618
|
TỔNG
|
1207
|
240
|
967
|
64
|
345
|
391
|
165
|
718
|
150
|
568
|
1925
|
393
|
1532
|
Bảng số liệu trai họ (suất đinh) theo từng
đời cuối tháng 12/2019:
THÀNH VIÊN HỌ
TRẦN HOÀNG XÁ THEO SUẤT ĐINH 12/2019
|
||||||
ĐỜI THỨ
|
13
|
14
|
15
|
16
|
17
|
|
CHI GIÁP
|
93
|
4
|
27
|
36
|
19
|
7
|
CHI Ất
|
375
|
15
|
93
|
155
|
96
|
16
|
PHÂN CHI TR. ẤT
|
22
|
0
|
0
|
8
|
11
|
3
|
NGÀNH ÔN CHẤT
|
140
|
1
|
18
|
51
|
59
|
11
|
NGÀNH ÔN TỪ
|
152
|
11
|
52
|
72
|
17
|
0
|
NG. ĐỨC NGHIỆP
|
61
|
3
|
23
|
24
|
9
|
2
|
TỔNG SỐ
|
468
|
19
|
120
|
191
|
115
|
23
|
2.3 Chính trị:
Trải qua trên 3 thế kỷ, rải rắc
các đời có làm các chức vụ trong làng, trong xã như Chánh Tổng, Phó Tổng, Lý
trưởng, Phó lý, Thư ký, Thủ quỹ, Thông phán, Đội. Ngoài ra muốn có địa vị trong
làng, xã, khỏi phải đi phu phen, tạp dịch thì mua các chức như Huyện hào, Tổng
hào, Quản hào (cụ Huyện Thất, cụ Quảng Hệ, cụ Tổng Chước, Tổng Cung...). Có hai
cụ được phong tước “Thập lý hầu”: đó là cụ Trần Quang Vi đời thứ 6 làm nghề y
và cụ Trần Hữu Vinh đời thứ 9 làm thầy đồ nho, thầy địa lý. Không thấy thành
viên nào làm quan từ cấp huyện, phủ trở lên.
Trong các cuộc chiến tranh chống
Pháp, chống Mỹ, chống Tầu, nhiều con cháu Trần tộc đã đóng góp tuổi thanh xuân,
hy sinh xương máu cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc, được
Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Các cụ Hữu Phú, Hữu Dê, Hữu
Cừu, Hữu Mã, Trần Cảo, Hữu Tài, ông Hữu Trạc con cụ Hữu Mịch, ông Hữu Năm con cụ Hữu Khiếu… đã tham gia kháng
chiến chống Pháp. Họ ta có 10 liệt sỹ: 5 liệt sỹ chống Pháp là các cụ Hữu Phú,
Hữu Cừu, Hữu Dê (hai anh em ruột), Hữu Mã con cụ Hữu Ý, Hữu Năm con cụ Hữu
Khướu; 5 liệt sỹ chống Mỹ là: Quang Khải con cụ Quang Sắc, Quang Duyệt
con cụ Quang Thuật, Hữu Khiết con cụ Hữu
Tèo, Hữu Thịnh con ông Hữu Tiếu, Hữu Chúc con cụ Hữu Sừng. 02 con rể họ là liệt
sỹ: chồng bà Trần Thị Mạn (con cụ Trần Hữu Ý) liệt sỹ chống Pháp, chồng cụ Trần
Thị Huyền liệt sỹ chống Mỹ. 01 cháu ngoại họ - con cụ Trần Thị Xuyến liệt sỹ
chống Pháp.
Từ năm 1954 đến nay, nhiều con
cháu họ Trần đã tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị của nhà nước. Một
số là cán bộ quản lý, lãnh đạo ở một số ngành Trung ương và địa phương: Cụ Trần
Cảo - Phó Giám đốc Ty Thủy lợi tỉnh Hà Đông, cụ Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở TDTT Hà
Tây; ông Hữu Nhuận con cụ Quang Tế - cán bộ Tổng cục Đo lường, Chất lượng; Hữu
Hưng con ông Hữu Dụng- cán bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hữu Thắng con ông Hữu Hạnh - cán bộ Cục Công nghệ tin học, Ngân hàng Nhà nước, con rể cụ Hữu Vân là Vụ trưởng vụ Ngân hàng, ngân hàng Nhà nước, con rể cụ Trần Cảo là Phó Tổng biên tập báo Nông Nghiệp...; Một số là Hiệu
trưởng, Hiệu phó, cán bộ ngành giáo dục như: cụ Hữu Trụ, ông Hữu Dụng, ông Hữu Lợi, ông Hữu
Thành con cụ Đĩnh, bà Mai Hương con cụ Hữu Hùng, ông Hữu Hưng con cụ Hữu Hán,
bác Hữu Đạt con ông Hữu Tiếu. Con dâu họ Đỗ Thị Mai - Giám đốc Kho bạc nhà nước huyện. Một số là cán bộ trong quân đội và ngành công an
như: Đại tá quân đội: Hữu Sơn
con cụ Hữu Toát, Hữu Hiệp con ông Hữu Dụng, Công Hân con bác Hữu Hoan; Thượng
tá Phó chỉ huy bộ đội Biên Phòng tỉnh, Vũ Anh con cụ Quang Hiệu; Thượng tá công an: ông Ngọc Hùng con cụ Hữu Tèo; Trung tá quân đội: ông Hữu
Trạc chính ủy Sư đoàn, cụ Quốc Thịnh; Đại úy quân đội: cụ Ngọc Chấn; Con rể cụ Hữu Hùng là Thiếu tướng - Cục
Trưởng Cục Tổ chức Bộ Quốc phòng, con rể ông Hữu
Hạnh là Đại tá công an, con rể
cụ Hữu Hùng Thượng tá công an, con rể ông Hữu Sắc là Đại tá quân đội, con trai bà Thị Long là Đại tá quân đội. Ông Quang Hải con cụ Quang Tế là Chủ tịch UBND thị
trấn Vân Đình. Một số là lãnh đạo doanh nghiệp như: Cụ Hữu Cộng, cụ Hữu Thức, ông Hữu Thắng con
cụ Hữu Vân, ông Hữu Thành con cụ Hữu Thọ, con gái ông Hữu Hạnh... Hai cháu ngoại họ là nhà tri thức
hàng đầu Việt Nam: Ông Đặng Đình Thanh con cụ Trần Thị Xuyến là Giáo sư, tiến
sĩ, Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện phó Viện Khoa học Việt Nam; ông Nguyễn
Gia Hiểu con cụ Trần Thị Hoài là Giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Tính toán
và điều Khiển, Viện Khoa học Việt Nam.
2.4 Kinh tế:
Trước kia, kinh tế các gia đình
vào loại thường thường, không đời nào giầu có lắm, nhiều lắm có độ mươi mẫu
ruộng. Đến thế kỷ XX thì cũng có khá hơn, nhưng không có giầu có và có danh
tiếng lớn. Giai đoạn 1930-1954, gia đình các cụ Hữu Khương, Hữu Tảo, Hữu Ngụ và
các con của các cụ vào loại kinh tế khá của làng. Có chục mẫu ruộng như gia đình cụ Hữu Khương...Một vài cụ đã có những cửa hàng lớn, có nhà máy/ xí nghiệp (như cụ Hữu Tài, Hữu Lộc, rể họ cụ Nguyễn Gia Am...)
Hiện nay, hầu hết các gia đình họ
Trần có đời sống kinh tế khá ổn định vào tầm trung bình khá ở địa phương. Một
số gia đình có kinh tế vững vàng và đang phát triển song cũng chưa đến mức “đại
gia”. Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế chỉ chiếm một số rất nhỏ. Một
số con cháu họ Trần đã vươn lên là chủ doanh nghiệp tạo việc làm cho một số lao
động như: Ông Hữu Thành, Hữu Việt con cụ Hữu Đĩnh, ông Hữu Hùng con cụ Hữu
Phúc, ông Hữu Hiền con cụ Hữu Hán, con gái
ông Hữu Kiểm Trưởng ngành Đức nghiệp, con rể cụ Trần Cảo - Bùi Hữu Cư, con rể cụ Quang Tiến - Nguyễn Ngọc Sơn, con rể ông Hữu Du Trưởng chi Ất,…
2.5 Văn hoá:
Là dân thị chợ, nên hiếu học cả
thời chữ nho cũng như thời tân học (thời Pháp chiếm đóng). Nhiều gia đình đã
chú trọng việc giáo dục và chăm lo việc học hành của con cái, đây là một trong
các truyền thống tốt đẹp của họ ta. Cụ Trần Hữu Vinh đời thứ 9 có đôi câu đối:
“Mỗi tồn phúc địa lưu ngô hữu; Đãn bả như điền dị hậu canh” (nghĩa: Cứ dành đất
phúc đời ta có; Chỉ để ruộng văn con cháu cày). Các cụ đã để lại cho con cháu
một gia sản vô giá đó là “đất phúc” là “ruộng văn”. Chính nhờ vậy, các gia đình đều có nề nếp, gia phong, nhiều con
trai họ được đi học chữ thánh hiền và trở thành thày Đồ, con gái họ có một vài cụ cũng thông văn tự (như cụ Trần Thị Lan tức Chánh Đội Nguyên). Đến đời thứ 11, có cụ Trần Quang
Thước đỗ Tú tài về chữ nho.
Thời tân học nhiều người biết đọc
biết viết, có một số đỗ được Sơ học yếu lược Pháp Việt (như các cụ: Hữu Tần,
Hữu Cẩn, Hữu Cần, Hữu Tài, Hữu Lộc, Hữu Thọ…). Một số đi học tiếp tại Hà Đông,
Hà Nội, có bằng Diplome (như ông Hữu Dụng con cụ Hữu Mẫn…). Con dâu họ là cụ
Đặng Thị Phúc là người có học cao nhất trong các gái làng. Tuy vậy, không ai đỗ
đạt cao thời nho cũng như thời tân học.
Giai đoạn từ năm 1954 đến nay:
Nhìn chung, con cháu họ Trần thông minh, hiếu học, học giỏi, có chí tiến thủ.
Đa số các cháu đều có bằng trung học phổ thông. Tỷ lệ các cháu đỗ vào các
trường đại học, cao đẳng ngày một cao. Nhiều gia đình có bố mẹ và tất cả các con cháu
đều tốt nghiệp đại học. Một số cháu đi du học ở nước ngoài tại các nước có nền
giáo dục hàng đầu thế giới như Singapore, Úc, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Thụy
sĩ... Có cháu đã có thành tích suất sắc trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế
(cháu Minh Anh con ông Hữu Hiệp – giải nhì toán quốc tế, cháu Tuấn Quỳnh con
ông Quang Nhuận – vận động viên bóng bàn, huy chương vàng Seagame, Hữu Hoàng
con cụ Hữu Hán – giải nhì tin học quốc gia). 5 thành viên họ đã có bằng tiến
sĩ: Hữu Hiệp con ông cả Dụng; Minh Anh và Thu Hà con trai và con dâu ông Hữu
Hiệp; Hữu Hưng, Hữu Hoàng con cụ Hữu Hán; Trung Hiếu con cụ Quốc Thịnh. Cháu
ngoại họ con bà Trần Thị Mai là tiến sĩ Hóa dược đang làm việc tại Mỹ. Con rể ông Trần Đặng Trường - bác sĩ chuyên khoa 2. Có bằng
thạc sĩ: hai bố con ông Hữu Thành con cụ Hữu Thọ…Trong họ ta, ngành Đức Nghiệp có truyền
thống hiếu học và có nhiều con cháu có học vấn cao.
2.6 Nghề nghiệp:
Trước đây, do sống ở đất chợ, nên
đa số trai họ không làm các nghề thổ, nghề mộc, một số rất ít làm nghề nông.
Nhờ có học, biết chữ nên một số làm nghề thuốc đông y, cha truyền con nối (như
cụ Quang Vi, cụ Quang Chiếu, cụ huyện Thất…) hay đi dạy học. Về chữ nho như cụ
Hữu Vinh, Đồ Quỳ, Đồ Lệch, Đồ Cu..., về tân học như cụ giáo Tần, giáo Cẩn ....
Nhưng nghề làm ông đồ của nhiều người thường không kéo dài, có khi chuyển sang
làm các nghề thủ công khác như hàng mã, thợ may hay chuyển sang làm tiểu
thương, nếu không thì sống dựa vào mẹ, vợ hoặc con cái - là những người tiểu
thương nắm phần kinh tế chính ở gia đình.
Hiện nay, con cháu họ Trần đều có
việc làm và nghề nghiệp khá phong phú: nhờ được học hành tới nơi tới chốn,
nhiều người tốt nghiệp đại học, trên đại học là nhà nghiên cứu, giáo viên, giảng viên, kỹ sư,
bác sĩ, nhân sự cấp trung, cấp cao; một số người là công chức nhà nước, bộ đội,
công an, nhà doanh nghiệp; một số là nhân viên, công nhân, thợ thủ công, buôn
bán nhỏ, làm ruộng. Số thành viên làm nghề thuần nông hầu như không có.
2.7
Đặc điểm cư trú:
Trước đây, phần nhiều các gia
đình trong họ tập trung ở xóm Vàng (xóm An Thái), chỉ một vài gia đình ở xóm
Chùa (xóm Nam Thái). Vào những năm 1960-1970 mới có vài hộ vào ở xóm làng (xóm
lẻ hay xóm Đông Thái) như gia đình cụ Quang Tạo (còn gọi là Tạo Vẻo).
Hiện nay, khoảng một nửa thành
viên họ sống tại quê Hoàng xá, thị trấn Vân đình, Ứng Hòa. Một lượng khá lớn
thành viên sống tại 4 quận nội thành Hà Nội (cũ) và quận Hà Đông mới. Ngoài ra
có một số thành viên hiện đang cư trú tại: huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, tỉnh Nam
Định, tỉnh Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một vài nơi khác.
Một số rất ít định cư tại nước ngoài (Đức, Pháp).
2.8
Nề nếp, gia phong:
Cụ Thập
lý hầu Trần Hữu Vinh đời 9 đã viêt: “Tăng tổ ta đôn hậu chất phác, nhân huệ,
cần lao để mở rộng nghiệp, bền chí để có được công cao, từ điền dã mà dấy
nghiệp nhà, trồng dâu mà mặc, cấy lúa mà ăn, nhờ hiếu từ mà mở đời sau, lấy Nghĩa
làm nền, lấy Nhân làm móng”. Từ bao đời nay, Họ ta luôn lấy Nhân,
Đức, Hiếu, Nghĩa, Lương, Cần, Kiệm, Khiêm, Nhường làm đầu trong việc giáo dục
con cháu, nên đã xây dựng được một gia tộc có kỷ cương nề nếp. Con cháu họ Trần
nhìn chung là những người làm ăn chân chính, cần cù, tiết kiệm, không khoe
khoang, đua đòi, biết khoan dung, độ lượng, đùm bọc lẫn nhau. Đại đa số các gia
đình sống thuận hoà, biết bảo nhau, nghe nhau, kính trên, nhường dưới, anh em
quan tâm giúp đỡ nhau. Cụ bà Trưởng Oánh đã nuôi dưỡng hai người cháu của cụ
Hữu Cát (hai vợ chồng mất sớm) từ lúc mới lên 7 tuổi và lên 3 tuổi. Cụ Hữu Tài
đã lặn lội tìm kiếm hai chú em con ông cậu ở với mẹ ở Hải Phòng, bị bặt tin sau
toàn quốc kháng chiến, lúc đó mới 4 và 5 tuổi. Khi cụ Hữu Tài đi kháng
chiến vào năm 1949, hai con nhỏ của cụ đã được các em của cụ Hữu Tài nuôi dậy.
Bác Hữu Nhuận, con ông Hữu Nhiêm, cũng đã lặn lội sang Cam Pu Chia để tìm kiếm
đứa con nhỏ của em ruột (đã mất) và đưa về nuôi dưỡng. Tuy vậy, họ Trần Hoàng Xá cũng có những giai đoạn xẩy ra sự bất hoà nên hai Chi cúng tế
riêng.
Chụi khó, chăm chỉ lao động, đặc
biệt là các thành viên là gái họ, dâu họ.
Hiếu học, có chí tiến thủ, vượt qua
khó khăn, trắc trở để khẳng định bản thân.
Tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Không có các phần tử bạo ngược, côn đồ.
Thời nào, Họ ta cũng có nhiều người quan tâm đến
công việc họ hàng, làng nước. Từ việc tôn tạo đình, chùa, tu bổ nghĩa trang,
xây dựng khuôn viên liệt sỹ… đến việc xây dựng nhà thờ Chi, nhà thờ Họ đều còn
ghi đậm dấu ấn về sự đóng góp đáng kể của nhiều thế hệ con cháu họ Trần. Năm
1694, xây dựng Đại Bái đình làng, hai cụ trong họ ta đã được tín nhiệm tham gia
trông nom, quán xuyến các công việc và đến khi tôn tạo Đại Bái đình làng năm
1860-1862, họ ta đã có số lượng các cụ tham gia nhiều nhất trong số các cửa họ
của làng, có tới 18 cụ được khắc ghi họ tên trên cột hồi đình làng.
III. ĐÔI NÉT VỀ LÀNG HOÀNG
XÁ, VÂN ĐÌNH
1.
LÀNG HOÀNG XÁ
Làng Hoàng Xá, trước đây thuộc xã
Hoa Đình, Tổng Phương Đình, Phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, thường gọi là khu Vân
Đình. Huyện Ứng Hòa nguyên là phủ Ứng Thiên đời nhà Lê thuộc trấn Sơn Nam. Năm
Gia Long thứ 13 (1814) phủ Ứng Thiên đổi tên là phủ Ứng Hòa. Năm Minh Mạng thứ
12 (1831), khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Ứng Hòa là một trong bốn phủ của
tỉnh Hà Nội. Phủ Ứng Hòa gồm các huyện Sơn Minh sau đổi thành Sơn Lãng, Chương
Đức (sau đổi thành Chương Mỹ), Thanh Oai và Hoài An. Năm 1888, khi tỉnh Hà Đông
được thành lập, phủ Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1891, thành lập phủ Mỹ Đức
thuộc tỉnh Hà Đông, bao gồm huyện Yên Đức, Chương Mỹ và Sơn Lãng. Sau Cách mạng
tháng Tám, huyện Sơn Lãng đổi tên là huyện Ứng Hòa, huyện Yên Đức đổi tên là
huyện Mỹ Đức. Huyện Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông rồi Hà Tây rồi Hà Sơn Bình rồi
lại Hà Tây. Năm 2003, thị trấn Vân Đình được điều chỉnh địa giới, theo đó, làng
Hoàng Xá thuộc thị trấn Vân Đình. Từ ngày 1/8/2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây được
sáp nhập vào Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội khóa 12. Theo đó, Hoàng Xá,
Vân Đình, Ứng Hòa thuộc thủ đô Hà Nội.
Làng Hoàng Xá nằm bên đường quốc
lộ 22, nay là quốc lộ 21B. Bắc giáp với thôn Đình Tràng, phía Nam và Tây Nam
giáp Thanh Ấm, Vân Đình. Phía Đông và chính Tây là cánh đồng làng rộng lớn.
Truyền ngôn cho biết, theo địa bạ Gia Long, làng có trên 500 mẫu ruộng và 500
suất đinh, đứng đầu hàng Tổng về ruộng đất, đứng thứ hai về dân số. Như các làng
cổ khác, làng Hoàng Xá từ cổ xưa đã có đình, chùa, quán, có hệ thống đường
làng, ao làng khá hoàn chỉnh, nhưng rất ít lũy tre bao quanh. Đình làng khá
lớn, tọa lạc tại trung tâm của làng, là một di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt
quý hiếm, đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng từ năm 1962. Đây là một công trình lớn về
quy mô, độc đó về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, được xây dựng vào cuối thế
kỷ XVII. Đình làng thờ Minh Quý đại vương Cao Hành – một vị võ tướng là người
bạn chiến đấu của Tản Viên sơn thánh thời Hùng Vương thứ XVIII. Chùa làng còn
gọi là Chùa Chè hay chùa Bà Trà Tự - một ngôi chùa cổ, được xây dựng vào cuối
thế kỷ XVII, cùng với thời kỳ làm đình làng, kiến trúc theo kiểu nội công ngoại
quốc. Năm 2001, chùa được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Đặc biệt làng Hoàng Xá trước kia có Văn chỉ thờ Khổng Tử của phủ Ứng Hòa xưa. Đây là công
trình kiến trúc về văn hóa rất có giá trị, được xây dựng trên đất làng, rất tiếc toàn bộ công trình nay đã không còn. Mảnh đất khu di tích trước đây là bãi đất trống Văn Chỉ, nay là khu vực sân bóng và vườn cây ăn quả phía ngoài nghĩa trang của làng.
Hoàng Xá là một trong những trung
tâm buôn bán của khu vực, làng có hai chợ. Trước kia, bên cạnh đình làng là chợ
trâu, còn đường làng từ đình đến xóm Chùa là chợ Đình nổi tiếng, họp vào ngày 3
ngày 8. Từ xa xưa, làng đã hình thành 3 xóm. Đó là xóm Làng (xóm Lẻ)– Đông
Thái, xóm Vàng – An Thái, xóm Chùa – Nam Thái. Năm 1960, đổi tên mới thành Hồng
Thanh, Hồng Thái, Hồng Phong. Xóm làng mang hình ảnh của một làng cổ, có lũy
tre bao bọc, có cổng làng, với cây đa cổ thụ trước cổng làng. Người dân xóm
phần lớn làm ruộng. Xóm Vàng và xóm Chùa mang nét ven thị, người dân sống chủ
yếu bằng nghề buôn bán, thủ công, vì thế dân hai xóm này xuất ngoại cũng nhiều,
học hành thành đạt cũng lắm. Các gia đình giầu có đều tập trung vào 2 xóm này.
Làng có 1 họ Đỗ, 1 họ Trần, 1 họ Hoàng, 1 họ Cao, 1 họ Dương, 9 họ Nguyễn, 10
họ Đặng. Trong đó Đỗ, Đặng, Trần, Cao là 4 dòng họ lớn của làng.
Hoàng Xá không phải là đất thuần
nông mà rất đa nghệ. Nghề đi buôn là phổ biến nhất: buôn ngồi, buôn chuyến,
buôn bán nhỏ, mở cửa hàng, cửa hiệu làm đại lý. Ngoài ra còn có nghề may, nghề
hàng mã, chế biến thực phẩm, sửa chữa đồng hồ, tài xế. Đặc biệt là nghề dậy
học, dậy chữ. Trước đây, thầy đồ Hoàng Xá có nhiều, một số cụ còn kiêm cả nghề
thuốc, xem số tử vi, làm thày địa lý. Thời tân học có nhiều thày giáo dậy
trường công hoặc trường tư, một số cụ làn nghề thư ký, kế toán, phiên dịch. Từ
năm 1954, lớp tri thức mới rất đông đảo. Họ là các giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà
văn, nhà báo, cán bộ công chức… hoạt động ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn
hóa, chính trị, quân sự. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, ruộng đất nhiều, kinh tế,
văn hóa ở Hoàng Xá đều phát triển, trình độ dân trí cao, giác ngộ sớm, phong
cách người Hoàng xá cũng có nhiều nổi trội. Đó là sự lịch lãm trong ứng xử, văn
minh trong tập quán, lịch sự trong giao tiếp, hào hoa trong đời sống, chuẩn mực
trong ngôn ngữ và luôn vươn tới mà người xưa gọi là chí tiến thủ.
2. VÂN ĐÌNH
Vân Đình là một thị trấn
thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông cũ nay thuộc TP Hà Nội. Thị trấn Vân Đình là
một vùng đất có lịch sử lâu đời. Về mặt địa danh, tên gọi “Kẻ Đình” và tên chữ
“Vân Đình” đã khẳng định đây là địa danh cổ. Theo các sách văn hóa, các thần
phả, vào thời nhà Đinh, vùng đất “Kẻ Đình” đã là tụ điểm dân cư đông đúc. Vì
mang nhiều dấu ấn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong cuộc dẹp loạn 12 xứ quân,
nên lúc đầu “Kẻ Đình” có tên là “Kẻ Đinh”. Năm 2003, Chính phủ điều chỉnh địa
giới hành chính mở rộng thị trấn Vân Đình. Theo đó, chuyển toàn bộ xã Tân
Phương; toàn bộ thôn Hoàng Xá, một phần của thôn Lương Xá và thôn Đình Tràng
thuộc xã Liên Bạt; một phần của xã Phương Tú, xã Vạn Thái về thị trấn Vân Đình.
Sau khi điều chỉnh, thị trấn Vân Đình có 539 ha diện tích tự nhiên và trên 13
nghìn nhân khẩu.
Vân Đình là vùng đất văn hóa với
nhiều truyền thống tốt đẹp được hình thành trong quá trình phát triển. Là tụ
điểm dân cư đông đúc vào thời nhà Đinh nhân dân Vân Đình đã ủng hộ nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh xóa bỏ tình trạng cát cứ
của 12 sứ quân. Góp phần dựng nên quốc gia Đại Cồ Việt vào thế kỷ thứ X, đánh dấu mốc
lịch sử quan trọng của dân tộc. Ở thôn Vân Đình có đình Thượng, đình Nhì, đình
Ba thờ ba anh em ruột người trang Vân Đình đã mộ binh theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Quán Lục Sĩ ở Thanh Ấm thờ
thần Minh Phúc – một tướng của Đinh Bộ Lĩnh có công với nước.
Vân Đình có truyền thống hiếu học
lâu đời nơi có những danh nhân nổi tiếng như Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Thiệu Tước, Dương Thụ,...Ngày 23/11/1946, Đại hội Hồng Thập
tự Việt Nam lần thứ nhất đã họp tại Vân Đình, Ứng Hòa tỉnh
Hà Đông cũ, chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Đây chính là
tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam một tổ chức với tôn
chỉ công tác nhân đạo của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội đã
mời Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự và bầu
bác sĩ Vũ Đình Tung là Hội trưởng, tương đương
các Chủ tịch sau này
Vân Đình còn nổi tiếng với các đặc
sản như vịt cỏ Vân Đình, giò chả Vân
Đình, bánh cuốn chả Vân Đình, gốm Vân Đình...
Hiện nay Vân Đình khá phát triển,
nằm trên trục đường quốc lộ 21B là tuyến giao thông quan trọng
giữa nhiều tỉnh, như Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Gần thị
trấn Vân Đình cũng có khá nhiều làng nghề nổi tiếng như làng Bặt làm bún, làng
dệt Phùng Xá, làng may Trạch Xá. Đặc biệt làng Bặt có một số người nổi tiếng
như Bùi Bằng Đoàn - Thượng Thư Bộ Hình triều Nguyễn - Chủ tịch Quốc hội thứ hai của Việt Nam và Nguyễn Thượng
Hiền, quan Đốc học Triều Nguyễn - người đã cùng Phan Bội Châu lập ra Việt Nam Quang phục Hội. Làng Phùng Xá cũng có một số người rất
thành đạt như Bộ trưởng Đỗ Trung Tá, làng Tảo Khê có giáo sư Ngô Huy Cẩn là bố
của giáo sư Ngô Bảo Châu... Ở đây có một số ngôi chùa như chùa Thanh Ấm, Quán
Thanh Ấm, Quán Ông Đô, chùa Chè, chùa Vân Đình...
Tại làng Vân Đình cổ còn lưu giữ
những bức tường được làm và trang trí từ những mảnh sành, mảnh ngói vỡ tạo hình
xương cá đầy nghệ thuật và tinh tế. Đó cũng là dấu ấn của một làng nghề gốm
phát triển và tồn tại hàng trăm năm về trước ở nơi đây.
Bài viết có sử dụng tư liệu dòng họ và tham khảo cuốn Làng Hoa Đình của cụ Nguyễn
Phúc Tăng, cuốn Địa chí Văn hóa Hoàng Xá của cụ Đặng Thiêm.
Tháng
2/2020
Trần Hữu
Thành