Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Đôi nét về địa danh Vân Đình


Vân Đình là một thị trấn nhỏ, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về, là thủ phủ của huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; năm tháng trôi qua, thiên tai địch họa trải đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ kính nơi đây.

Vân Đình không chỉ có… vịt và chó.

Tôi có anh bạn là một tay sành ẩm thực có hạng. Dấu chân anh đã in khắp các miền non nước, và anh thì đã biết đến không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, đặc sản thời trân các nơi. Khi tôi hỏi anh đã biết đến các món vịt cỏ, thịt chó Vân Đình chưa thì anh ta lôi kéo tôi đến ngay mấy cái quán vịt ở đường Láng, và còn hẹn sẽ đưa đi một vòng quanh Hà Nội để đếm xem có bao nhiêu cái quán đề biển Thịt chó Vân Đình, ra vẻ là người sành điệu lắm. Tôi bảo anh ta chỉ là một gã biết ngọn mà không biết gốc. Và thế là chúng tôi phải làm một chuyến đi Vân Đình, cùng cả một đám thực khách đang bừng bừng khí thế.

Tôi đưa bạn bè tôi về Vân Đình, về với ngọn nguồn của các món ăn ngon đã làm cho dân Hà thành phải kiêng nể, không dám lấy cái tên gì gì đó hoa mỹ để mà câu khách, mà vẫn phải giữ lấy hai chữ Vân Đình, cho dù thực khách có người cũng không quan tâm lắm đến nó. Và cũng không chỉ có thế, Vân Đình còn là một vùng văn hóa đặc sắc của miền Sơn Nam Thượng ngày xưa, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về.

Vân Đình là một thị trấn nhỏ, là thủ phủ của huyện ứng Hoà, Hà Tây. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; và năm tháng trôi qua, dù thiên tai địch họa đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ truyền nơi đây.

Theo chân các cụ già ta gặp lại những dáng nét phố xưa với những Hàng Vải, Hàng Niêu, Hàng Muối, phố Cô Đầu ... đã từng một thời nổi tiếng xa gần. Với những tên phố bắt đầu từ chữ Hàng, chúng ta hình dung ra một quần thể dân cư có mật độ khá tập trung và một nhịp sống sôi động. Lại được nghe các cụ đọc câu ngạn ngữ về nết tảo tần của đàn bà Vân Đình là “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” thì bỗng thấy như lạ, như quen. Vân Đình xưa có nghề gốm nổi tiếng.

Gốm Vân Đình khá phong phú về chủng loại: từ các mặt hàng gia dụng (chum, vại, chậu), hàng vật liệu xây dựng (gạch ống, ngói mũi hài,...), đến những mặt hàng phục vụ việc thờ cúng (nồi hương, chân đèn) và các chậu hoa, chậu cảnh, cùng các hình phỗng trang trí hòn non bộ. Hàng gốm Vân Đình tuy không tráng men, nhưng khi đun lò, người thợ gốm đã khéo điều chỉnh độ lửa nên khi gốm ra lò vẫn có một lớp như men mầu nâu sẫm phủ đều trên bề mặt, tạo vẻ đẹp riêng. Gốm Vân Đình được ưa chuộng, và đã có mặt khắp nơi trong trấn Sơn Nam thượng - hạ, và các vùng lân cận.

Bên dòng sông Đáy hiền hoà chảy ngang lưng Vân Đình, bao đời nay, người dân ở đây đã sinh ra và lớn lên từ Đất và Nước quê hương như thế. Ai trong số họ, lúc sơ sinh cũng được người mẹ cắt rốn trong cái chậu sành do tay mẹ nặn nên. Và cho đến khi nhắm mắt, con cháu lại đặt nắm xương của họ vào cái tiểu sành rồi lặng lẽ vùi xuống lòng đất mẹ...

Thế rồi, nghề gốm Vân Đình đã mất dần ưu thế và dần chìm vào dĩ vãng. Nghề gốm đã không còn, nhưng bóng dáng của vùng gốm xưa vẫn còn lưu lại trong các lối xóm cổ xưa, trên những bức tường được xây hoàn toàn bằng những mảnh gốm vỡ và xỉ lò, trông quá đỗi giản dị, lại như kiểu cách lắm. Đó là tất cả những gì còn lại, để minh chứng cho một thời đã lùi hẳn vào dĩ vãng.

Về với Vân Đình, tìm những dáng xưa, trong hội hè nhộn nhịp và nét phong lưu của một dĩ vãng chưa xa. Vân Đình có tục chơi câu đối rất thịnh. Tết nhất, lễ hội, cưới xin, ma chay, nhất thiết phải có câu đối. Ai xin được câu đối hay, từ những người hay chữ là một điều hãnh diện.

Cũng chính vì thế nên từ các thầy Khoá đến ông Cử, ông Cống, ông Nghè ở Kẻ Đình, Kẻ Bặt được dịp đua cái tài đùa cùng câu chữ. Riêng hai anh em cụ Dương Khuê, Dương Lâm cũng đã sáng tác và để lại đến gần 900 đôi câu đối, mà rất nhiều đôi còn treo trong các đình chùa, đền miếu, các nhà thờ họ trong khắp Vân Đình và nhiều xã, huyện, tỉnh kề bên.

Xưa kia, lúc Nho học còn thịnh, vào dịp cuối tháng Chạp, lại có những ông đồ quảy đôi bồ “mực tàu giấy đỏ” ra các hàng phố để bán chữ cho thiên hạ, như là đem cái tài ra để mà chơi vậy. Xem thế, đủ biết sự lịch duyệt và nét tài hoa, tài tử của con người nơi đây.

Vân Đình cũng là quê hương của những đào Hồng đào Tuyết trong thế giới ca trù tao nhã. Đất này là đất của thơ và nhạc ca trù đã lâu đời. Căn cứ vào bức chạm khắc hình người cầm đàn Đáy (loại đàn 3 dây chỉ để đệm cho ca trù) có niên đại thế kỷ XVII, hiện còn trong đình Hoàng Xá, xã Liên Bạt, thị trấn Vân Đình, ta biết một cách chắc chắn rằng cách đây hơn 300 năm về trước, Vân Đình đã có sinh hoạt ca trù (ả đào) rất thịnh.

Bức chạm gỗ nhạc công đàn Đáy, đình Hoàng Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa.

Cảnh đẹp là thế, Hương Sơn thanh tú phía xa, Hát Giang uốn lượn cận kề, con người nền nã, khéo léo là thế, lại là đất văn học, nên nơi đây cũng chính là xứ sở, là nguồn cảm hứng vô tận của những bài ca trù mượt mà, đằm thắm. Nhắc đến xứ sở ca trù này khó ai quên được dòng họ Dương với các tác gia Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Tự Nhu, với hàng chục bài ca trù đã đi vào lịch sử văn chương nước nhà.

Và cùng với các vị đó, các cô đào Phẩm, đào Hai, đào Cúc, đào Oanh, đào Cần, đào Khanh,...cũng đi vào văn học, với tất cả vẻ thanh lịch, trang nhã, thanh sắc đủ đầy: “Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào, duyên khuê các. Ra, vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban - Tạ. Dịu như mai - Trong như tuyết - Nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều”.

Trong các tác gia ca trù họ Dương, thì Dương Khuê là nổi bật nhất. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1860), nổi tiếng văn chương và được người đương thời gọi là Thần tiên chi văn (văn chương của bậc thần tiên).

Những người yêu thích ca trù không ai là không biết bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của ông: Hồng Hồng , Tuyết Tuyết /Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi / Mưòi lăm năm thấm thoắt có xa gì / Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu ...và để rồi: Riêng một thú thanh sơn đi lại / Khéo ngây ngây dại dại mới tình / Đàn ai một tiếng Dương tranh. Hồng Hồng Tuyết Tuyết được coi là bài vỡ lòng của những ai học hát ca trù, được giới chuyên môn đánh giá là bài ca trù chuẩn mực nhất, giàu ý nghĩa và triết lý nhất.

Vân Đình là đất văn vật, đất khoa bảng. Đây là nơi sinh ra nhiều Tiến sĩ nhất trong toàn huyện ứng Hoà. Ở đây có ba dòng họ nổi tiếng, nối đời khoa bảng. Đó là họ Bùi với các Tiến sĩ Bùi Tuấn, Bùi Bằng Thuận; họ Nguyễn với Nguyễn Thượng Phiên, Nguyễn Thượng Hiền ở Kẻ Bặt (Liên Bạt) và họ Dương với các Tiến sĩ Dương Khuê, Dương Thiệu Tường ở Kẻ Đình (làng Vân Đình).

Đặc biệt hơn nữa, quan hệ giữa các dòng họ này từ xưa đến nay đều rất hoà mục, vui vẻ, ít có nơi sánh kịp. Trong chốn quan trường, họ là đồng liêu; trong học tập họ là đồng môn, thi hữu của nhau, còn trong quan hệ gia đình, làng xóm họ lại là chỗ thông gia gắn bó. Tất cả những mối quan hệ ấy làm nên một phong khí văn vật thịnh vượng mà sự đồng cảm, tương thân, tương kính là nét đẹp nổi bật độc đáo, rất đáng ngưỡng mộ của vùng quê này.

Ngày xưa, tại gia trang nhà họ Dương ở đất này, cậu bé Nguyễn Đăng Thục (tức cố Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt) đã sống suốt một thời thơ bé. Cha của Tào Mạt là quản gia của gia đình họ Dương. Và Tào Mạt vẫn được cha sai đi lau bụi cho các bức câu đối hoành phi mỗi dịp sắp có khách chơi nhà hoặc khi Tết đến.

Những nét vẽ đầu tiên của loại văn tự tượng hình đã đi vào tiềm thức và làm hành trang cho Tào Mạt trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân với bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, trở thành nhà thơ, nhà Thư pháp Hán Nôm được giới văn nghệ thừa nhận, nể vì.

Có thể nói, Vân Đình không chỉ là một quần cư đông đúc, mà hơn thế, nơi đây còn là điểm hội tụ và tỏa sáng của những con người tài hoa, sành điệu, lịch lãm của trấn Sơn Nam thượng xưa kia. Thật là một vùng quê có nhiều nét sinh hoạt riêng, rất đặc sắc, như một dấu son của Hà Tây văn hiến, với Thăng Long là chỗ láng giềng gần.

ST.