Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Cụ Cả Tài (1913 - 1985)


   Thấm thoắt thế mà đã hơn 20 năm! Nhưng không ai nghĩ là cụ cả Tài đã qua đời. Bởi hình ảnh cụ, tiếng cười nói của cụ vẫn như còn hiện hữu trong mọi gia đình. Người ta nhắc đến cụ với tất cả lòng yêu mến, kính trọng, khâm phục. Thậm chí không mấy ai gọi bằng cụ mà chỉ gọi bằng ông: ông cả Tài vì tác phong của ông trẻ trung lắm, lúc nào cũng nhanh thoăn thoắt, miệng cười lởi xởi. Chỉ khi nào chợt nhận ra, ông đã quá tuổi “ xưa nay hiếm”, người ta mới xin lỗi và thưa cụ.
Ông sinh ra trong một gia đình thường thường bật trung. Chín anh chị em, năm trai, bốn gái. Ông là con trai cả. Ông cũng được học hành chút ít (có lẽ đã qua bậc tiểu học). Lớn lên, chủ yếu giúp ông anh rể là ông Nguyễn Gia Am quản lý một chi nhánh của A tê na ở Hải Phòng và trở nên giầu có. Ông tậu được nhà lớn ở 23 phố Nhà Thờ (Hà Nội) và khá nhiều đất ở làng. Điều không may là ông góa vợ sớm (lúc đó, ông mới 30 tuổi). Ông đã đứng vậy nuôi ba con nhỏ và trông nom gia đình. Khi các cụ qua đời, ông lần lượt dựng vợ, gả chồng cho các em rất chu đáo, Các cụ già trong làng thường khen:” Trai làng này, không ai được như bác cả Tài” và lấy ông làm tấm gương hiếu để dạy con cháu. Cách mạng thành công rồi kháng chiến toàn quốc, ông về làng tham gia hoạt động đoàn thể. Năm 1948, Pháp nhảy dù xuống Vân Đình, ông bị địch bắt mang về Hà Nội. Sau ít ngày, ông được trả tự do. Mặc dù có sẵn nhà cửa, tài sản ở Hà Nội, nhưng ông tìm cách trốn về và sau đó, giao tài sản và hai con trai (lúc đó con gái đầu của ông đã mất) cho các em rồi gia nhập quân đội đi kháng chiến từ năm 1949 và làm anh bộ đội cụ Hồ cho đến lức về hưu.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Huyện Ủy, UBND huyện về đóng tại làng. Các cơ quan nhà nước như Nông Thổ sản, Huyện đội… ngày càng mở rộng, ông vui vẻ cho mượn trên 2.000m2 đất mà không đòi hỏi điều kiện gì. (Riêng Huyện đội, ông đã tự nguyện hiến trên 1 sào đất ở) mặc dù ông không hề bị quy thành phần gì trong cải cách ruộng đất cũng như cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ông hoàn toàn là người vô sản, đặc biệt về mặt tư tưởng. Đất cát ngày một lên giá, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới số tiền bạc tỉ đã giúp không vì lợi ích chung ấy! Ông than thản ra đi ở tuổi 73 trong sự kính trọng, tiếc thương của dân làng một cách chân thành, sâu sắc.
Nhớ về cụ cả Tài, lòng người Hoàng Xá vẫn tươi rói những ký ức.
1. NHỮNG ĐÁM TANG
“Làng này không ai vất vả mà hiếu đễ như ông ấy!” Đó là một câu đúc kết của người già từ khi ông còn trẻ. Bởi vì ông luôn phải đứng mũi chụi sào và tận tụy trong việc nuôi dưỡng, lo tang chế từ cha mẹ, đến người vợ trẻ, con gái nhỏ, đến các chú em trai, chú năm, chú tư, chú ba, chú hai và cả chú em rể nữa. Tất cả đều một ông trong bất cứ thời điểm nào. Trước cánh mạng, sau cách mạng, sau hòa bình, thời bao cấp, trong chiến tranh phá hoại… Các em ông, mỗi người một số phận. Người đột tử, người bệnh hiểm nghèo, người bị đầy ải… ông đều hết lòng chăm sóc, lo liệu. Đặc biệt chú ba bị mất khi đi cải tạo ở tận rừng sâu Lao Cai, gia đình chỉ biết tin sau khi mất. Mấy năm sau, ông cùng người con trai thứ hai của chú ba lặn lội tìm kiếm rồi mang hài cốt em về quê trong chiếc ba lô trên vai giữa thời bom đạn… Với ai ông cũng lo chu đáo với một tình cảm xót thương chân thành! Một đời người, lo mười cái tang trong điều kiện “ đũa gắp một chiếc” mà trọn vẹn! Quả là mấy ai được như?
2. TÌM EM
Năm 1948, sau khi được ra khỏi nhà tù quân đội Pháp ở Hà Nội, thật là điều kiện dễ dàng cho ông tái lập kinh doanh, nhưng việc làm đầu tiên ông làm không phải là khẳng định chủ quyền nhà đất ở 23 phố Nhà Thờ mà là nhờ bạn bè và cất công đi tìm hai chú em con ông cậu ở với mẹ và bặt tin sau toàn quốc kháng chiến dưới Hải Phòng, lúc đó mới 4 và 5 tuổi!
Không biết ông đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để lặn lội tìm ra hai chú em nhỏ đang được nuôi trong một cô nhi viện, Thì ra, sau khi chạy loạn, bà mợ bị bệnh rồi qua đời trong một nhà thương làm phúc, Các bà xơ đã “nhặt” hai em về. Ông đã bảo lãnh và xin về trông nom rồi tìm cách thuê người mang hai em về quê cho ông cậu, trong sự bất ngờ của đôi bên nội ngoại.
3. TÁC PHONG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Bất cứ ai, dù ở lớp tuổi nào, nếu đã một lần gặp đều không quên một “anh bộ đội Cụ Hồ” giản dị, nhanh nhẹn, xởi lởi, kính già, yêu trẻ, tận tụy, thân mật với mọi người…
Thực ra, ông sống ở làng không nhiều. Nhưng mỗi lần về quê, dù một buổi, dù dăm ba ngày, ông bao giờ cũng đến thăm hỏi người thân. Gặp ai, ông cũng vồn vã, mừng vui như người trong nhà lâu mới gặp. Nếu lần đó trong làng có ai héo sữa, gặp rủi ro, hoặc đau yếu… ông đều đến tận nơi chia buồn, thăm hỏi rất ân cần cho dù không phải là họ hàng thân thích. Đến nhà ai cũng vậy, ông đều trò chuyện rất cởi mở. Nếu ai cần giúp đỡ, dù là việc nhỏ, việc lớn, ông cũng sẵn sàng, từ buộc cái bờ rào, kê cóng lại bàn ghế, gường tủ… Không bao giờ để ai phải mất thì giờ tiếp mình. Tính ông thế, bao giờ với ai cũng thân mật, tự nhiên như người ruột thịt nên rất dễ hòa đồng.
Ngày xưa, người ta nói ông ấy sang mà không quan cách.
Ngày nay, người ta khen: Đúng là con cháu Cụ Hồ, đi dân nhớ, ở dân thương…
Làng ta không ít người giầu, không ít người có học vị cao, chức vụ lớn nhưng thật không ai được mọi người từ già đến trẻ yêu quý như với ông. Không, với cụ Cả Tài! Cụ Trần Hữu Tài.

                 Theo cuốn “Địa chí Văn hóa Hoàng Xá” của cụ Đặng Thiêm