Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Trần Thánh Tông (1240 – 1290)


    
    Trần Thánh Tông, tên thật là Trần Hoảng, là vị vua thứ hai của nhà Trần (sau vua cha Trần Thái Tông và trước vua con Trần Nhân Tông), ở ngôi từ năm 1258 đến 1278 và làm Thái thượng hoàng từ 1278 đến khi qua đời. Trong thời gian làm Thái thượng hoàng, ông đã cùng với Trần Nhân Tông lãnh đạo đất nước giành chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
    Mùa xuân nǎm Mậu Ngọ (1258) Thái tử Trần Hoảng là con trai của Thái Tông Trần Cảnh lên nối ngôi lấy hiệu là Thánh Tông. Tuổi thiếu thời của ông được sống trong cảnh đất nước thanh bình thịnh trị: nhà Trần quản lý đất nước, đang dần dần đưa dân tộc bước vào giai đoạn cường thịnh. Không rõ việc học hành tu dưỡng của ông như thế nào, nhưng chắc chắn là ông được rèn luyện khá chu đáo, vǎn võ song toàn. Ông có làm thơ, tuy không nhiều song những bài thơ ông để lại đạt đến một trình độ điêu luyện và thể hiện tinh thần dân tộc rất cao. Ông đã trực tiếp tham gia trận mạc, và có một trình độ quân sự vững vàng. Các vị tướng tài thời nhà Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, đều là em ruột của ông. Những ngày chưa lên ngôi báu, ông đã từng theo vua cha là Trần Thái Tông chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Trước sức mạnh hung hãn của giặc, hai cha con ông đã phải rời kinh thành Thǎng Long, chạy theo sông Lô rồi lui về sông Thiên Mạc (1257). Chính ở đây, Thái Tử Trần Hoảng đã được nghe câu nói của Trần Thủ Độ, trả lời vua cha là Trần Thái Tông. Lúc đó, thế giặc rất mạnh, quân ta phải bỏ chạy, rút lui ở nhiều nơi, tình hình vô cùng nguy cấp.
    Viên thái uý Trần Nhật Hiệu rất nản lòng, không phát biểu được câu gì, nhưng lại dùng ngón tay nhúng nước sông, viết hai chữ "Nhập Tống" trên mạn thuyền. Đến khi nhà vua hỏi Trần Thủ Độ. Vị thái sư này đã khẳng khái trả lời: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo". Lời nói đanh thép đó đã tiếp thêm cho Trần Hoảng một khí thế quyết tâm chống giặc. Với từng việc cụ thể như thế, thái tử Trần Hoảng đã được giáo dục, tôi luyện, cùng với thực tế chiến đấu trên chiến trường, đã giúp cho ông có một bản lĩnh vững vàng khi được nối ngôi tôn.
    Thành tựu chủ yếu trong quá trình trị vì của Trần Thánh Tông là lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Cuối nǎm 1257, thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông và các quan trở về Thǎng Long, ban thưởng cho nhiều người đúng vào ngày mồng một Tết nǎm Mậu Ngọ. Thì sau đó gần hai tháng, vào ngày 24 tháng 2, Hoàng Thái Tử Trần Hoảng được truyền ngôi, đúng vào nǎm 18 tuổi. Vua mới vẫn giữ vững tinh thần độc lập, cố giữ sự giao hảo với "thiên triều", nhưng không chịu cúi mình, không nghe theo các yêu cầu của họ....
    Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con, lui về làm Thượng hoàng khi ông 42 tuổi, nhưng ông vẫn trực tiếp chỉ đạo chống giặc. Nǎm 1284, ông là người có sáng kiến tổ chức hội nghị phụ lão ở điện Diên Hồng, để được nghe tất cả người già trong nước cùng hô to câu trả lời: Đánh! Quyết đánh! Các sử gia về sau có nói về Trần Thánh Tông là người biết "giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay". Chúng ta giờ đây thấy rõ tư tưởng trọng dân, và vâng theo lòng dân của hai cha con nhà vua thanh niên ấy. Cả hai cha con cùng nhau chỉ đạo kháng chiến, nhưng thế giặc vô cùng mạnh. Thánh Tông, với cương vị thượng hoàng, đã phải cho em gái út của mình là công chúa An Tư sang hầu hạ tên tướng giặc Thoát Hoan, nhưng chúng vẫn không thôi đàn áp và cướp bóc. Kinh thành Thǎng Long bị giặc chiếm, hai vua phải đi thuyền nhỏ tránh ra Quảng Ninh, rồi lại theo sông Nam Triệu, vượt biển Đại Bàng vào Thanh Hoá. Nhưng sau đó quân ta đã xoay đổi được thế trận, giành thắng lợi lớn ở Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử, để tháng 6 nǎm đó, được trở về kinh sư.
    Bọn giặc Nguyên thua to nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ ý đồ xâm lược. Chúng vẫn ồ ạt kéo sang, và lần này thì hoàn toàn thất bại thảm hại. Những danh tướng như Thoát Hoan, Ô Mã Nhi, Tính Cơ, Lệ Ngọc v.v... đều bị bắt sống. Trần Thánh Tông lần này lại nêu cao một cử chỉ cao thượng. Ông cho phép dẫn bọn Ô Mã Nhi lên thuyền ngự "cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ".
    Thế là suốt ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên sang xâm lược, Trần Thánh Tông đều trực tiếp chỉ huy đối phó và đã thắng lợi suốt cả ba lần. Thời kỳ Trần Thánh Tông chính thức làm vua cũng là thời kỳ đất nước thái bình, thịnh trị. Thánh Tông là vị vua nhân từ, trung hậu. Vua thường xuyên nói với tả hữu: "Thiên hạ là của cha ông để lại, nên để cho anh em cùng hưởng phú quý". Bởi vậy, trừ các buổi thiết triều vua mới phân biệt trên dưới, còn thường ngày vua cho các hoàng thân vào điện ǎn cùng mâm, nằm cùng chiếu, thật hòa hợp thân ái. Về đối nội, ông dốc lòng xây dựng đất nước mạnh giàu. Thí dụ, ông là người đầu tiên có chủ trương cho các vương hầu thành lập các điền trang; được chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp về làm nô tỳ để khai khẩn ruộng hoang, bãi lầy sú vẹt vùng ven biển. Chế độ điền trang thực sự bắt đầu từ đây, xây dựng cơ sở vững mạnh cho nhà nước phong kiến. Ông rất quan tâm đến việc chọn những nho sinh có tài bổ vào các cơ quan nhà nước (như quán, sảnh, viện) cấp tiền ǎn học cho người có khả nǎng, trọng dụng những người thông thái để sử dụng. Trần Thánh Tông có câu nói nổi tiếng được ghi chép trịnh trọng trong sử sách. Ông nói với các vương hầu:" Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quí, tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quí, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui". Lời nói của Thánh Tông thực là thấu tình đạt lý. Và ngay trong sinh hoạt hàng ngày ông cũng thể hiện sâu sắc tinh thần ấy. Trong họ Trần, cha con, anh em luôn luôn hòa thuận vui vẻ. Việc lên ngôi của Trần Hoảng cũng là trường hợp đặc biệt. Ông vốn là con thứ hai. Anh cả của ông là Trần Quốc Khang, thực tế là con của Trần Liễu và công chúa Thuận Thiên. Nhưng vua Thái Tông Trần Cảnh thấy con đầu của mình, tài nǎng có phần hạn chế, nên đã quyết định giành ngôi cho Trần Hoảng. Trần Quốc Khang không bǎn khoǎn tị nạnh gì, vui lòng nhận tước Tĩnh quốc Đại vương, để ủng hộ cho em lên ngôi hoàng đế. Song Trần Thánh Tông không chỉ vì tình nghĩa mà xuê xoa mọi việc. Ông biết cân nhắc để định rõ vị trí, xác định tài nǎng. Người anh thúc bá của ông là Trần Quốc Tuấn, tài nǎng ưu việt hơn cả, ông và con ông sau này (Nhân Tông) tôn làm Tiết chế, thống lĩnh quân đội. Các em ông Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật v.v... đều giữ những cương vị xứng đáng trong triều. Những kẻ lầm lỗi như Trần I'ch Tắc (cũng là em ông) bị ông xoá tên, chỉ gọi là ả Trần (hèn nhát như đàn bà).   Những người có công lao được ông ban thưởng có mức độ, thưởng mà vẫn nhắc họ cảnh giác với quân thù.
    Nǎm Đinh Sửu (1277) Thái thượng hoàng Trần Thái Tông mất ở phủ Thiên Trường. Nǎm sau, vua Thánh Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Khâm rồi về ở phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Vua Thánh Tông trị vì được 21 nǎm làm Thái thượng hoàng được 13 nǎm. Ngày 25 tháng 5 nǎm Canh Dần (1290) Thượng hoàng mất ở cung Nhâm Thọ hưởng thọ 51 tuổi.

Gia quyến
Vợ:
1.      Thiên Cảm phu nhân Trần Thị Thiều (?-2/1287), con gái Trần Liễu, sau phong hoàng hậu, tức Thiên Cảm hoàng hậu. Năm 1278, Trần Nhân Tông phong làm Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
2.      Cung phi Vũ Thị Ngọc Lan.
3.      Cung phi Trần Thị Khương.
Con trai:
1.      Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông (1258-1308), con của Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu.
2.      Tá Thiên đại vương Trần Đức Việp (1265-1306)
Con gái:
1.      Công chúa Thiên Thụy, chị gái Nhân Tông, mất cùng ngày với Nhân Tông (3 tháng 11 âm lịch 1308). Lấy Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo vương.
2.      Bảo Châu Công chúa, con gái thứ tư, lấy Vũ Túc vương Đạo, con của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.
3.    Chiêu Hoa Công chúa được biết đến qua các tư liệu thần phả và giai thoại, không có trong các bộ chính sử hiện có. Lấy An Đức hầu Cao Toàn.
4.    Chiêu Chinh Công chúa cũng như Chiêu Hoa Công chúa, bà không có tên trong chính sử. Bà tên húy là Trần Thị Hinh, mẹ là Cung phi Trần Thị Khương.

     ST.

Thông báo tổ chức Giỗ Tổ chi Ất họ Trần Hoàng Xá năm 2020


    Ông Trưởng chi Ất họ Trần Hoàng Xá, Vân Đình xin thông báo với toàn thể các cụ, các ông bà, con cháu nội ngoại của chi Ất họ Trần Hoàng Xá cùng toàn thể thành viên họ Trần Hoàng Xá:

1. Ngày giỗ Tổ bản chi năm nay sẽ tổ chức đúng ngày giỗ của cụ Trần Phúc Độ tức ngày 09/3 Âm lịch.
 2. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện yêu cầu của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc không tập trung đông người, do vậy ngày giỗ Tổ bản chi năm nay chỉ tổ chức lễ hương đăng phù tửu với số đại biểu hạn chế, không tổ chức họp Chi, không tổ chức liên hoan.
3. Để tránh rủi ro có thể xảy ra trong mùa dịch bệnh, đề nghị các thành viên trong chi, trong họ không nên về vào ngày giỗ Tổ bản chi năm nay, vị nào có tấm lòng có thể gửi lễ Tổ nhờ Ban liên lạc chuyển giúp.
 
    Xin thông báo
tới toàn thể các cụ, các ông bà, con cháu nội ngoại của chi Ất họ Trần Hoàng Xá cùng toàn thể thành viên họ Trần Hoàng Xá.

                  
                                            Trưởng chi Ất họ Trần Hoàng Xá

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Trần Thái Tông (1218 - 1277)


    Trần Thái Tông (1218 - 1277); nguyên tên thật là Trần Bồ, sau đổi thành Trần Cảnh; Ông sinh ngày 17 tháng 7 năm 1218, mất ngày 4 tháng 5 năm 1277; là vị vua mở nghiệp nhà Trần, tạo dựng một triều đại cực thịnh trong lịch sử dân tộc, ở ngôi hơn 32 năm (1225 - 1258), làm Thái thượng hoàng 19 năm. Ông được vợ là Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng đầu tiên và là nhà vua cuối cùng của nhà Lý nhường ngôi. Việc ông được đưa lên làm vua nói riêng và nhà Trần thay thế nhà Lý nói chung phần lớn nhờ ở công sức của Trần Thủ Độ, chú của Trần Cảnh. Khi đó Trần Thủ Độ là Điện tiền chỉ huy sứ trong triều Lý. Trần Cảnh là con thứ Trần Thừa, một người nhiều mưu lược, dưới triều Lý từng giữ chức Nội thị khán thủ (đứng đầu các quan hầu cận vua Lý trong cung). Nhờ có Trần Thủ Độ là chú họ khi ấy làm Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Cảnh thường xuyên được ra vào cung, sau lấy Lý Chiêu Hoàng. Năm 1226, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh và vương triều Trần được thành lập từ đấy.
    Năm 1237, khi đó vợ chồng Trần Thái Tông và Chiêu Thánh hoàng hậu chưa có con nối dõi tông đường, do hoàng tử Trần Trịnh mới sinh đã chết. Trong khi đó hoàng hậu Thuận Thiên chị của Chiêu Thánh hoàng hậu và là vợ của Trần Liễu, đã có thai Quốc Khang ba tháng. Trần Thủ Độ cùng vợ là công chúa Thiên Cực bàn tính với nhau là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh lập công chúa Thuận Thiên làm hoàng hậu Thuận Thiên và giáng Chiêu Thánh làm công chúa. Vì thế, Trần Liễu đem quân bản bộ ra sông Cái làm loạn. Điều này làm cho vua Trần Thái Tông khó xử và ông đã bỏ kinh đô lên núi Yên Tử. Trần Thủ Độ phải đích thân lên núi mời, cộng với lời khuyên của sư Phù Vân, ông mới quay lại kinh đô. Hai tuần sau, Trần Liễu thế cô, không đối địch được, mới đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Trần Thủ Độ định chém Trần Liễu, nhưng vua Trần Thái Tông đã lấy thân mình che đỡ cho Liễu nên Thủ Độ không làm gì được. Sau đó lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm ấp thang mộc. Vì tên đất được phong, mà Liễu có tên hiệu là Yên Sinh Vương (An Sinh Vương).
   Trong thời gian tại vị Trần Cảnh đổi niên hiệu 3 lần là: Kiến Trung (1225-1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232-1250) và Nguyên Phong (1251-1258). Niên hiệu Nguyên Phong đã đi vào lịch sử như cái mốc lớn ghi chiến công đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông hồi thế kỷ 13 mà thơ Trần Nhân Tông ca ngợi:
        Bạch đầu quân sĩ tại,
        Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.
        (Lính bạc đầu còn đó,
        Kể mãi chuyện Nguyên Phong).
    Ngày 17-1-1258, (niên hiệu Nguyên Phong thứ 7) quân Nguyên tràn tới cánh đồng Bình Lệ (phía nam Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ), Trần Thái Tông chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc. Theo Đại Việt sử ký toàn thư tả: "Vua tự làm tướng đốc chiến đi trước, xông pha tên đạn"...
    Ngày 29-1-1258, Trần Thái Tông cùng thái tử Hoảng (sau là vua Trần Thánh Tông) đã phá tan quân Nguyên ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Trần Thái Tông đã trở thành ông vua anh hùng cứu nước.
    Sau chiến thắng, Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông (1258) và làm Thượng hoàng cho đến khi mất.
    Tên tuổi Trần Thái Tông được sử sách lưu truyền còn vì ông là một nhà Thiền học, một triết gia có những tư tưởng sâu sắc, độc đáo và một tính cách khá lạ lùng, tác giả sách Khóa hư lục, một tác phẩm cổ nhất, quan trọng nhất về phương diện triết học Thiền của thời Trần.
    Khóa hư lục nghĩa là ghi chép về phép tu dưỡng đạo hư tịch. Trần Thái Tông viết sách này vào quãng từ năm 1258 đến trước lúc mất (1277), tức là sau khi ông đã nhường ngôi cho Lê Thánh Tông rồi vào núi tu hành. Xét về niên đại, Khóa hư lục là cuốn sách xưa nhất hiện còn giữ được trong kho thư tịch cổ Việt Nam. Xét về nội dung, Khóa hư lục vừa có giá trị triết học, vừa có giá trị văn học, bởi Trần Thái Tông mượn để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc của mình là hình thức văn, luận, thể biền ngẫu và kệ, thể thơ thất ngôn, ngũ ngôn... Tất cả đều giàu hình tượng, giàu chất trữ tình.
    Trong một văn bản Khóa hư lục có bài tựa Thiền tông chỉ nam của Trần Thái Tông viết, ông đã kể lại sự việc năm 1236 đang đêm ông bỏ cung điện vào núi, định ở đó tu hành, nhưng Trần Thủ Độ đến nơi, cương quyết mời ông trở lại ngôi vua, và câu chuyện này gắn liền với tiểu sử đời ông, với đặc điểm của Phật giáo Việt Nam thời Trần: "Năm thứ 5, niên hiệu Thiên ứng Chính bình, đúng đêm mồng ba tháng tư năm Bính Thân (1236), nhân vi hành ra cửa cung, bảo người tả hữu rằng: Trẫm muốn ra chơi để ngầm nghe lời dân, xem ý dân tình như thế nào... Giờ hợi đêm ấy, một ngựa lẻn ra, qua sông mà đi về phía Đông... Giờ mão ngày hôm sau thì đến bến đò Phả Lại sông Đại Than, sợ người ta biết, lấy vạt áo che mặt qua sông... Gập ghềnh, núi thẳm khe sâu, ngựa mỏi không tiến được, trẫm bỏ ngựa leo dốc mà đi, giờ mùi tới đầu núi Yên Tử. Sớm mai lên thẳng đỉnh núi, thăm quốc sư Trúc Lâm đạo sa môn... Bấy giờ Thúc phụ Trần Công (tức Thủ Độ)... nghe tin trẫm bỏ đi, sai tả, hữu tìm kiếm khắp nơi, bèn cùng với các vị quốc lão tìm đến núi này. Gặp trẫm, Thái sư nói thống thiết rằng: "Bệ hạ vì mục đích tu cho riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà báo đời sau thì sao bằng lấy chính thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ?"... Do đấy, trẫm cùng các vị quốc lão về kinh, gắng lại lên ngôi...".
    Có lẽ ít thấy trong lịch sử Phật giáo nước nào lại nêu vấn đề "quốc gia xã tắc" ra và giải quyết theo hướng đặt "quốc gia xã tắc" lên trên hết, trước hết như thế. ở Việt Nam, "quốc gia xã tắc" bao giờ cũng là vấn đề trọng đại nhất. Thái độ đối với "quốc gia xã tắc" chính là thước đo giá trị của mỗi người, bất kể họ ở cương vị nào. Nghe theo tiếng gọi của "quốc gia xã tắc", Trần Thái Tông trở về triều và 22 năm sau, Trần Thái Tông đã phá tan quân xâm lược Nguyên Mông, giữ vững "quốc gia xã tắc".
    Trần Thái Tông quả là người có một tính cách đặc biệt. Lúc làm tướng, đánh giặc thì anh dũng "xông vào mũi tên hòn đạn", khi làm vua, thì "phú quý không đủ làm trọng", có thể sẵn sàng từ bỏ ngai vàng không chút luyến tiếc.
    Ngô Thì Sĩ, sử gia thế kỷ 18 đã nhận xét về Trần Thái Tông: "Trần Thái Tông tuy ý từ gần với đạo không tịch mà chí thì rộng xa, cao siêu cho nên bỏ ngôi báu như trút đôi dép rách vậy".
    Lời nhận xét này tưởng như một nét khắc thần thái Trần Thái Tông, bó đuốc của Thiền học Việt Nam, gương mặt văn hóa đẹp và lạ đến khác thường trong lịch sử Việt Nam.
    
    Gia quyến
    Vợ: Chiêu Thánh hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng, năm 1237 bị giáng làm công chúa do không có con, năm 1258 gả cho Lê Phụ Trần. Thuận Thiên hoàng hậu Lý thị húy Oanh, nguyên là vợ An Sinh vương Trần Liễu. Có lẽ còn một số bà vợ khác nhưng không rõ tên tuổi do Trần Ích Tắc (1254), Trần Nhật Duật (1255) đều sinh ra sau khi Thuận Thiên hoàng hậu đã mất (1248).
    Con cái: Sử sách cổ không ghi chính xác là bao nhiêu nhưng có thể thấy các con trai có:
1. Trần Trịnh (chết yểu năm 1233)[1]
2. Tĩnh Quốc Vương Trần Quốc Khang[1], thực tế là con của Trần Liễu và công chúa Thuận Thiên.
3. Trần Hoảng, tức vua Trần Thánh Tông, con của Thuận Thiên hoàng hậu.
4. Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, con của Thuận Thiên hoàng hậu.
5. Bình Nguyên vương Trần Nhật Vĩnh
6. Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng, anh cùng mẹ với Ích Tắc.
7. Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc
8. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật
9. Minh Hiến Vương Uất[2]. Chơi thân với Phạm Ngũ Lão.
   Các con gái gồm:
1. Công chúa Thiên Thành (? - 9/1288) (Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bà là trưởng công chúa[3] nhưng không nói rõ là con ai (có lẽ là con gái lớn của Trần Thái Tông[4]), trong khi Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép bà là con gái[5] của Trần Thừa).
2. Công chúa Thiều Dương húy Thúy (? - 4/1277): Lấy thượng vị Văn Hưng hầu, mất khi Trần Thái Tông vừa mất.
3. Công chúa Thụy Bảo: Lấy Uy Văn vương Toại, sau lấy Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng.
4. Công chúa An Tư: Lấy Thoát Hoan.
    Tôn hiệu:
    Các vua nhà Trần có nhiều tôn hiệu: Tôn hiệu khi được nhường ngôi, khi đang làm hoàng đế, khi lui về làm Thái Thượng hoàng, và thụy hiệu sau khi mất. Tôn hiệu của Trần Thái Tông gồm:
Khi mới nhận ngôi từ Lý Chiêu Hoàng thì tôn hiệu là: Thiện hoàng (Hoàng đế được nhường ngôi)
Khi đang làm vua: Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế
Khi về làm Thái thượng hoàng: Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế
Thụy hiệu đầy đủ: Thống Thiên Ngự Cực Long Công Hậu Đức Hiền Công Hựu Thuận Thánh Văn Thần Vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế.

   ST.


Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Cụ Cả Tài (1913 - 1985)


   Thấm thoắt thế mà đã hơn 20 năm! Nhưng không ai nghĩ là cụ cả Tài đã qua đời. Bởi hình ảnh cụ, tiếng cười nói của cụ vẫn như còn hiện hữu trong mọi gia đình. Người ta nhắc đến cụ với tất cả lòng yêu mến, kính trọng, khâm phục. Thậm chí không mấy ai gọi bằng cụ mà chỉ gọi bằng ông: ông cả Tài vì tác phong của ông trẻ trung lắm, lúc nào cũng nhanh thoăn thoắt, miệng cười lởi xởi. Chỉ khi nào chợt nhận ra, ông đã quá tuổi “ xưa nay hiếm”, người ta mới xin lỗi và thưa cụ.
Ông sinh ra trong một gia đình thường thường bật trung. Chín anh chị em, năm trai, bốn gái. Ông là con trai cả. Ông cũng được học hành chút ít (có lẽ đã qua bậc tiểu học). Lớn lên, chủ yếu giúp ông anh rể là ông Nguyễn Gia Am quản lý một chi nhánh của A tê na ở Hải Phòng và trở nên giầu có. Ông tậu được nhà lớn ở 23 phố Nhà Thờ (Hà Nội) và khá nhiều đất ở làng. Điều không may là ông góa vợ sớm (lúc đó, ông mới 30 tuổi). Ông đã đứng vậy nuôi ba con nhỏ và trông nom gia đình. Khi các cụ qua đời, ông lần lượt dựng vợ, gả chồng cho các em rất chu đáo, Các cụ già trong làng thường khen:” Trai làng này, không ai được như bác cả Tài” và lấy ông làm tấm gương hiếu để dạy con cháu. Cách mạng thành công rồi kháng chiến toàn quốc, ông về làng tham gia hoạt động đoàn thể. Năm 1948, Pháp nhảy dù xuống Vân Đình, ông bị địch bắt mang về Hà Nội. Sau ít ngày, ông được trả tự do. Mặc dù có sẵn nhà cửa, tài sản ở Hà Nội, nhưng ông tìm cách trốn về và sau đó, giao tài sản và hai con trai (lúc đó con gái đầu của ông đã mất) cho các em rồi gia nhập quân đội đi kháng chiến từ năm 1949 và làm anh bộ đội cụ Hồ cho đến lức về hưu.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Huyện Ủy, UBND huyện về đóng tại làng. Các cơ quan nhà nước như Nông Thổ sản, Huyện đội… ngày càng mở rộng, ông vui vẻ cho mượn trên 2.000m2 đất mà không đòi hỏi điều kiện gì. (Riêng Huyện đội, ông đã tự nguyện hiến trên 1 sào đất ở) mặc dù ông không hề bị quy thành phần gì trong cải cách ruộng đất cũng như cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Ông hoàn toàn là người vô sản, đặc biệt về mặt tư tưởng. Đất cát ngày một lên giá, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới số tiền bạc tỉ đã giúp không vì lợi ích chung ấy! Ông than thản ra đi ở tuổi 73 trong sự kính trọng, tiếc thương của dân làng một cách chân thành, sâu sắc.
Nhớ về cụ cả Tài, lòng người Hoàng Xá vẫn tươi rói những ký ức.
1. NHỮNG ĐÁM TANG
“Làng này không ai vất vả mà hiếu đễ như ông ấy!” Đó là một câu đúc kết của người già từ khi ông còn trẻ. Bởi vì ông luôn phải đứng mũi chụi sào và tận tụy trong việc nuôi dưỡng, lo tang chế từ cha mẹ, đến người vợ trẻ, con gái nhỏ, đến các chú em trai, chú năm, chú tư, chú ba, chú hai và cả chú em rể nữa. Tất cả đều một ông trong bất cứ thời điểm nào. Trước cánh mạng, sau cách mạng, sau hòa bình, thời bao cấp, trong chiến tranh phá hoại… Các em ông, mỗi người một số phận. Người đột tử, người bệnh hiểm nghèo, người bị đầy ải… ông đều hết lòng chăm sóc, lo liệu. Đặc biệt chú ba bị mất khi đi cải tạo ở tận rừng sâu Lao Cai, gia đình chỉ biết tin sau khi mất. Mấy năm sau, ông cùng người con trai thứ hai của chú ba lặn lội tìm kiếm rồi mang hài cốt em về quê trong chiếc ba lô trên vai giữa thời bom đạn… Với ai ông cũng lo chu đáo với một tình cảm xót thương chân thành! Một đời người, lo mười cái tang trong điều kiện “ đũa gắp một chiếc” mà trọn vẹn! Quả là mấy ai được như?
2. TÌM EM
Năm 1948, sau khi được ra khỏi nhà tù quân đội Pháp ở Hà Nội, thật là điều kiện dễ dàng cho ông tái lập kinh doanh, nhưng việc làm đầu tiên ông làm không phải là khẳng định chủ quyền nhà đất ở 23 phố Nhà Thờ mà là nhờ bạn bè và cất công đi tìm hai chú em con ông cậu ở với mẹ và bặt tin sau toàn quốc kháng chiến dưới Hải Phòng, lúc đó mới 4 và 5 tuổi!
Không biết ông đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để lặn lội tìm ra hai chú em nhỏ đang được nuôi trong một cô nhi viện, Thì ra, sau khi chạy loạn, bà mợ bị bệnh rồi qua đời trong một nhà thương làm phúc, Các bà xơ đã “nhặt” hai em về. Ông đã bảo lãnh và xin về trông nom rồi tìm cách thuê người mang hai em về quê cho ông cậu, trong sự bất ngờ của đôi bên nội ngoại.
3. TÁC PHONG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
Bất cứ ai, dù ở lớp tuổi nào, nếu đã một lần gặp đều không quên một “anh bộ đội Cụ Hồ” giản dị, nhanh nhẹn, xởi lởi, kính già, yêu trẻ, tận tụy, thân mật với mọi người…
Thực ra, ông sống ở làng không nhiều. Nhưng mỗi lần về quê, dù một buổi, dù dăm ba ngày, ông bao giờ cũng đến thăm hỏi người thân. Gặp ai, ông cũng vồn vã, mừng vui như người trong nhà lâu mới gặp. Nếu lần đó trong làng có ai héo sữa, gặp rủi ro, hoặc đau yếu… ông đều đến tận nơi chia buồn, thăm hỏi rất ân cần cho dù không phải là họ hàng thân thích. Đến nhà ai cũng vậy, ông đều trò chuyện rất cởi mở. Nếu ai cần giúp đỡ, dù là việc nhỏ, việc lớn, ông cũng sẵn sàng, từ buộc cái bờ rào, kê cóng lại bàn ghế, gường tủ… Không bao giờ để ai phải mất thì giờ tiếp mình. Tính ông thế, bao giờ với ai cũng thân mật, tự nhiên như người ruột thịt nên rất dễ hòa đồng.
Ngày xưa, người ta nói ông ấy sang mà không quan cách.
Ngày nay, người ta khen: Đúng là con cháu Cụ Hồ, đi dân nhớ, ở dân thương…
Làng ta không ít người giầu, không ít người có học vị cao, chức vụ lớn nhưng thật không ai được mọi người từ già đến trẻ yêu quý như với ông. Không, với cụ Cả Tài! Cụ Trần Hữu Tài.

                 Theo cuốn “Địa chí Văn hóa Hoàng Xá” của cụ Đặng Thiêm

Thập Lý Hầu Trần Hữu Vinh (1831 – 1903)

Cụ Trần Hữu Vinh, tức Hữu Chế, thuỵ Ngang Tàng tiên sinh thần vị. Sinh vào giờ Mão ngày 14 tháng 8 năm Tân Hợi (1831), mất ngày mùng 5 tháng tư năm Kỉ Dậu (1903), thọ 73 tuổi. Cụ là con trai thứ 3 cụ Trần Hữu Tiễn, huý Cẩn Trực và cụ Đặng Thị Cái  hiệu Từ Tuyên. Cụ Hữu Tiễn sớm theo đường học vấn, đọc rộng bách gia chi sử, xem khắp tứ thư ngũ kinh, nho khoa thi trúng đệ nhị trường, mở lớp dậy học ở bản thôn và thôn Đông Ngàn, đệ tử hơn năm chục người, duy Nguyễn Căn Bích ở Đông Ngàn thi đỗ tú tài. Nguyên được Từ tổ sư truyền thụ Diệu quyết cầu tự và Đại la bí chỉ, sau đem ra thực hành, khó mà kể hết từng điều. Nói về y, thì chữa trước được cho gia đình bệnh cấp, bệnh hoãn. Bàn về số, thì đoán biết được cho vận mệnh điều dữ, điều lành. Người đương thời gọi cụ là tiên tử Đại la, là tôn sư Biện lí.

    Sáu người con trai một con trai nuôi của cụ Hữu Tiễn đều sớm được cha dậy dỗ, ăn học nhưng chỉ có cụ Hữu Vinh là theo nghiệp “ sách đèn” của cha. Vốn có tư chất thông minh, chăm chỉ, chịu khó, lại được sinh ra trong gia đình “thầy đồ” nên cụ đã nhanh chóng được học và trang bị cho mình những kiến thức khá bách khoa về cả nho học, y học, lý học cũng như về văn chương. Cụ tiếp tục mở lớp dậy học, các môn đệ Nho lí học nghiệp hơn năm mươi người và đã được Triều Đại Nam (1820-1840) phong tước Thập Lý Hầu (là một trong hai Thập lý hầu của họ ta).

   Bình sinh buổi đầu chu du trải qua núi cao, sông rộng, danh lam thắng đại, xúc cảnh sinh tình cụ đều có ngâm thơ vịnh nhưng không chép lại hết. Hiện một số đôi câu đối hay với ý nghĩa sâu sắc của cụ còn được lưu giữ.

   Tại từ đường bản tộc có hai đôi:
Đông A diên phả hệ vạn đại vân nhưng, Nam hướng sảng môn đình, ức niên hương hỏa.
(Đông A dài phả hệ, muôn thủa sinh sôi, Nam hướng thoáng môn đình, triệu năm hương hỏa)
Đôi cấu đối này hiện nay vẫn được lưu truyền tại nhà thờ họ.
Phát nguyên kí hữu Phương Đình xã, Phần phái tương truyền Vĩnh Hựu niên
(Chia mạch truyền từ năm Vĩnh Hựu, Phát nguyên đã có xã Phương Đình)

   Tại bản gia từ đường có một đôi:
Tiến tân kịch thiết vô điền niện, Tế tẩm đa hoài hữu miếu tư.
(Dâng cơm mới băn khoăn không có ruộng, Cúng Tổ tiên, mong mỏi có nhà thờ)

   Với phòng khách nhà mình có bốn đôi:
Nhật nhàn sơn thủy di chân tính, Dạ thính cầm thư ích trí thần
(Ngày nhàn sông núi vui chân tính, Đêm lắng cầm thư ích trí thần)
Mỗi tồn phúc địa lưu ngô hữu, Đãn bả như điền dị hậu canh.
(Cứ dành đất phúc đời ta có, chỉ để ruộng văn con cháu cày)
Kình thiên lang thụ vô tà ảnh, Xuất địa liên hoa bất nhiễm nê
(Chọc trời cao mọc không nghiêng bóng, xuyên đất sen lên chẳng nhuốm bùn)
Xước ước quế chi hoa thượng hạ, lung linh đường thủy nguyệt cao đê.
(Duyên dáng cành đưa hoa trên dưới, lung linh ao dọi nguyệt thấp cao)

   Và khi mệnh chung để lại một đôi:
Sinh tiền thiết truy thành vô ích, Tử hậu do truyền hạnh hữu văn.
(Sống để thầm lo thật vô ích, Chết rồi may được tiếng còn truyền)
     
Đọc, nghiền ngẫm các câu đối ý nghiã sâu sắc của cụ, chúng ta tự hào về các vị tiền nhân dòng tộc và cũng thấy trách nhiệm của các thế hệ con cháu. 

Vào tuổi lục tuần, suy ngẫm những điều răn dạy trong kinh thư, kinh dịch, nghĩ tới Gia phả dòng họ - được ông nội và cha của cụ đã dày công sức biên soạn - đã bị kẻ cướp lấy mất cùng gia sản, cụ đã quyết phải tiếp tục việc viết Phả - một công việc mà ông cha đã làm. Cụ đã “thận trọng, tỷ mỷ, tìm hiểu, nghiên cứu cho thật rõ ràng, đi đến từ đường của các chi lớn, chi nhỏ, chọn lấy sách vở ghi chép của chi Giáp, chi Ất, chi Bính, tìm hiểu thế thứ đủ cả dòng đích dòng thứ. Xem xét thật kỹ càng, tìm hiểu thật đầy đủ, suy nghĩ, nghiền ngẫm để nắm bắt lấy. Trên thì trên trăm năm khi cha già còn sống có ghi chép trong bạ tịch, dưới thì trong khoảng 40 năm khi khôn lớn có được những điều mắt thấy tai nghe. Lại tìm hiểu tra cứu rộng khắp các nơi, tham khảo hỏi han đủ mọi chỗ để truy tìm đến nguồn đến ngọn. Đem những điều mình biết được soạn thành Gia phả”. Cùng với việc viết Phả, cụ đã viết Bài tự – một bài viết rất sâu sắc về vai trò quan trọng của Phả với dòng tộc, về trách nhiệm của thế hệ đương thời với các thế hệ con cháu. Bài Tự chứa đựng rất nhiều thông tin quý về quá trình làm Phả, về gia tôn vọng tộc. Cuối Bài tự, cụ mong muốn các thế hệ con cháu phải luôn ghi nhớ công đức Tổ tiên, tiếp tục công việc viết phả, “...làm theo việc ta làm, hãy thêm hoa vào gấm, hãy chắp sừng cho rắn… bồi đắp thêm cho cội nguồn…”, "Con cháu hãy gắng lên!" (xem toàn văn Bài tự tại https://hotranhoangxa.blogspot.com/2018/06/loi-tua-gia-pha-do-cu-to-tran-huu-vinh.html)

Những đôi câu đối cụ viết, Gia phả dòng tộc cụ biên soạn cùng với Bài tự cụ viết năm 1877 là một những tài sản vô giá của họ Trần Hoàng Xá. Là con cháu Trần tộc, chúng ta hãy cùng nhau thực hiện những điều răn dạy của cụ!
                                                                      

Ghi chép theo tư liệu dòng họ.
    05/3/2020
Trần Hữu Thành