Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Lời tự gia phả do cụ Tổ Trần Hữu Vinh đời thứ 9 viết năm 1877

Người dịch: Giáo sư Phan Văn Các
Nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm

              
Sương giáng buồn rầu, mùa Thu năm Đinh (Sửu) con trâu đã qua
Mưa rơi rả rích, mùa Xuân năm Mậu (Dần) con hổ đang tới
Vận thái mở ra, gặp ngày tam trực.
Thờ cúng nghĩ sâu, lòng thành thứ nhất
Nhằm ngày mồng bẩy, lại đến ngày kị (trong nhà)
Theo như lệ thường, từ cổ chí kim.
Chúng em cùng các con cháu, tụ họp ở nhà cung kính tế tự, gặp cảnh, gặp thời, nhìn ngày nay lại nhớ ngày xưa.
Trong lòng xúc động, cảm khái mà bảo nhau rằng:”Thân thể ta, da tóc của ta đều là di thể của cha mẹ, nhà cửa của ta, vợ con của ta đều nhờ cha mẹ mà có, nhờ ân trạch của tổ tiên mà có. Há không từng xem sổ sách ghi chép: có cha mẹ mới có bản thân ta, có thân ta mới có phú quý đó sao?
      Nay chúc thư thảo cảo bỗng chốc bị bọn đảng cướp thình lình cướp đi, thất tán mất cả. Nếu không nghĩ xa ắt có mối lo gần, tội của chúng ta quyết không phải nhỏ vậy. Cần ghi phả cho rõ ràng”. Anh trai ta khổ tâm hội đính, gắng sức sửa sang, làm thế nào để trên thì an ủi tinh linh của tổ tiên ta, dưới thì để lại điều cho người sau ta suy nghĩ. Anh trai ta ngậm ngùi mà than rằng:
“ Việc trong thiên hạ có kinh có quyền (kinh là nguyên tắc bất biến, quyền là vận dụng linh hoạt). Trong khi xử sự thường có biến. Kinh thư nói rằng:” Không lo nghĩ thì sao có thu hoạch, không làm sao nên?” Việc này ta đã nghĩ rõ rồi, nhưng ta chưa có thì giờ rảnh mà thôi. Lời các em chính là sát vào việc đúng lúc mà cũng thông với quyền vi, là việc quan trọng nhất của gia đình ta. Sao lại không đúng? Sao không sớm bắt đầu đi? Ta bèn thưa với anh trai ta rằng đã viết phả thì phải viết lời tựa như thế nào? Phả thì viết các việc lớn, nói những đầu mối quan trọng. Còn tựa thì từ nhỏ đến lớn, từ nông đến sâu, nắm lấy cương lĩnh, vung con thoi, vặn cần trục mà khái quát chăng?  Vậy phả thì ghi thống nhiếp chăng? Điều nói trong phả là như vậy chăng? Không phải như vậy chăng?
Ta vui vẻ khẳng định rằng chính là ý đó. Bèn không xấu hổ vì câu văn thô lậu, không ngượng ngùng vì từ ngữ vụng về. Có điều gì nghĩ được trong lòng thì viết cả ra lời tựa.
Ôi, Cây có ngàn cành muôn lá thì cũng đều gốc ở nơi rễ; nước có dòng, muôn mạch thì cũng đều gốc ở nơi nguồn. Đối với vật cũng còn có gốc, có ngọn, nữa huống chi việc há chẳng có trước, có sau ư? Việc có trước, có sau thì lâu dài, mà không rối loạn.
Người biết trước sau thì lâu cũng càng rõ, càng rõ mà không rối loạn, thì có phải chăng? Đó là cái lý do vì sao phải làm phả vậy. Và người ta gốc ở tổ, (muốn tìm hiểu) tổ thì phải dựa vào phả. Nhà có phả cũng giống như nước có sử. Sử là để ghi việc của nước, Phả là để ghi việc của nhà, đều là phải dựa vào việc mà ghi lại. Bởi một gốc có thể hai thân, ngàn con mà muôn cháu, thế hệ từ đó mà ra, họ hàng từ đó mà có. Vun trồng gây dựng biết bao gian lao, nội ngoại thân sơ thảy có thứ bậc. Phàm những việc cha ông trước kia coi là dễ thì là điều con cháu về sau sẽ lấy làm khó. Lẽ đó, tâm đó, thời nay, thời xưa. Tìm ngược về.
Tăng tổ ta đôn hậu chất phác, nhân huệ, cần lao để mở rộng nghiệp, bền chí để có được công cao, từ điền dã mà dấy nghiệp nhà, trồng dâu mà mặc, cấy lúa mà ăn, nhờ hiếu từ mà mở đời sau, lấy nghĩa làm nền, lấy nhân làm móng.
Tích luỹ xưa nay, mạch dòng là một. Ban đầu kỹ thuật, ghi chép còn giản lược. Tựu trung còn nhiều chỗ cần được làm rõ về người xưa.
Gốc cây, nguồn nước, khởi đầu ở đây.
Sử nước, phả nhà, muốn truyền mãi mãi.
Đến hiển tổ ta có được một phần đầu mối, sợ rằng hễ truyền càng xa, thì càng sai sự thực, để về sau chỉ thấy vậy mà chẳng biết do đâu, bèn tìm tòi nhặt nhạch những ghi chép còn sót lại, thu thập dù một chữ, dù nửa câu, chỗ còn ngờ thì để khuyết, chỗ chắc chắn thì lấy vào. Dẫu rằng cũng ít được tỏ tường, song cũng ngõ hầu tuân theo mà không để mất. Cây có gốc mà nước có nguồn, là nói về điều đó chăng? Thật có thể chọn vậy.
Chẳng dè một cơn mưa gió, có tiền phả kí bị lũ gian manh, khiến cho cành lá mây tuôn, thiên lí nhân tâm còn túc hận.
Đến khi
Hiển khảo ta vươn lên trong đó, sinh ra đã có thiên tư, tuổi nhỏ chăm theo học vấn, đọc rộng bách gia chi sử, xem khắp tứ thư ngũ kinh, nho khoa thi trúng đệ nhị trường (Thời Gia Long, hai khoa Đinh Mão và Canh Ngọ thi ở trường Sơn Nam, về sau thiết trướng khải mông ở bản thôn và thôn Đông Ngàn, đệ tử hơn năm chục người, duy Nguyễn Căn Bích ở Đông Ngàn thi đỗ tú tài), lí học hiểu được nghĩa thứ nhất (nguyên được Từ tổ sư truyền thụ Diệu quyết cầu tự và Đại la bí chỉ, sau đem ra thực hành, khó mà kể hết từng điều. Duy cứ nhìn vào hai thôn Đoan Dương và Phúc Lâm, các đề tử mang ơn hiện có từ đường và ruộng thờ phụng sự)
Nói về y, thì chữa trước được cho gia đình bệnh cấp, bệnh hoãn,
Bàn về số, thì đoán biết được cho vận mệnh điều dữ, điều lành.
Đạo để tồn sinh, đức để an bình, sông rộng núi cao đều tự mình du lãm,
Nhân để xử mình, nghĩa để tiếp vật, nhà rách buồng đổ vẫn không bỏ nấu nướng.
Thỉnh thoảng có người tin mà đến, gọi người là tiên tử Đại la.
Thường thường có kẻ thích mà về, tôn cụ là tôn sư Biện lí.
Nhàn phú quý bởi hữu danh, vui câu thơ chén nước, tiểu thần tiên vì vô sự, thú kĩ nữ tổ tôm. Hằn là:
Tuổi già để lại cháu ta mưu chủ nhân muôn thủa
Chọn người đạo đức làm thay phần mộ trăm năm
Tìm nơi đất kết mà chọn trước
Âm phần dương trạch (nhà ở và phần mộ) tự mình định nơi
Tộc phả, gia thư tự tay viết vẽ (sổ đinh và lệ tế xuân thu của cả họ đều có điều lệ rõ ràng đến nay còn đủ)
Nam thất, nữ gia, vừa túc nguyện (thoả mãn nguyện ước từ sớm)
Phụ từ tử hiếu, dựng gia phong.
       Rễ sâu thì ngọn tốt, cây kia rực rỡ vươn lên
       Nguồn sạch thì dòng trong, nước ấy dạt dào sâu thẳm. 
       Kế mà tự huynh tổ võ
Y nguyên dấu cũ, là ở điển hình.
Dâng cơm mới, đăm đăm một điều không ruộng cúng,
mỏi mắt mong tô đẹp nền xưa,
Tế tổ tiên, canh cánh chỉ mong có nhà thờ,
bữa thường ước đắp dày móng cũ
Trong thành, ngoài thành, tẻ nếp mấy mẫu,
thơm thảo mỗi xuân thu,
Nhà ngang nhà bếp, đắp đổi vài gian,
đẹp vui cùng sum họp
Mừng thầm gốc rễ tạm yên, nối trước mở sau, đây tấc dạ
Nào ngờ băng than chợt đến, trộm hung cướp dữ, xảy một khi
Tư trang mất đi quá nửa
Kí phả tan tác gấp đôi
Nghĩ:
Doanh hư tiêu trưởng, lí số lẽ thường,
Được mất héo tươi, xoay vần vẫn là thế.
Nên cũng là:
              Cây lớn tày ôm, có khi mục một phần nho nhỏ,
Nước đầy dâng ngập, có lúc khô lúc cạn ít nhiều.
Tuy nhiên:
Lí số thịnh suy, có đi ắt có lại
Tuần hoàn khí vận, đến cuối tử về đầu
Vài khóm cây, đâu thay đổi được rừng sâu,
Một gáo nước, há đầy vơi chi biển cả.
Huống chi:
Đất đẹp vì người, người thịnh vì đức,
Diệu quyết chân thuế, nghiệm lớn tỏ hay.
Nghĩ tới cháu con,
Nhớ về tiên tổ.
Tụ hội tinh thần, luôn tồn tại,
Dồi dào công đức, mãi vẻ vang.
Nối dĩ vãng, mở tương lai, nhờ dày âm trạch,
Vinh đời trước, thịnh đời sau, sẵn có phúc phần.
Truyền rằng:
Có đức thì có người, có người thì có đất,
Có đất thì có của, có của thì có dùng.
Mới thấy rằng chữ đức là gốc rễ vậy,
Cho hay nghĩa chữ thời thật lớn lao thay!
Kinh Thư nói:
“Nhân cầu đa văn, thời duy kiến sự”
(Người ta phải học hỏi nhiều. làm việc phải có thời)
Kinh Dịch truyền:
“ Quân tử tu tiến, dục dì cập thời”
(Quân tử tu tiến, cốt phải kịp thời)
Thì người phải kịp thời,
Mà thời phải nên việc.
Này việc này thời
Này tình này cảnh
Độn giáp tứ tuần
Đồng đường tam đại
Nếp nhà thi lễ
Đạo cũ lí, y.
Bá trọng luân trì tương vận vận
Tử tôn di bổ diệt thanh thanh
(Anh em đàn sáo chung hiệp vận,
Con cháu thảo thơm mãi hoà thanh)
Thảy có gia đình, vui nghề nghiệp
Học hành chăm chỉ, nghiệp công nông
Huống chi:
Ba nhà đầu mục,
Mười đình phong thanh.
Lấy chữ “hoà xử” với xóm làng, già trẻ thảy đều yêu kính,
Đem chữ “nhẫn” ở cùng họ tộc, thân sơ ai cũng khiêm nhường.
Há nói bừa hùng hổ, em kính anh nhường, không nên kiêu lận,
Há khoe ẩu giàu sang, việc nhà việc cửa, chỉ cốt đủ dùng.
Tuy có một phen trộm cướp,
Nhưng còn một thủa cương thường, thì sao?
Thế nên
Run rẩy trai minh,
Giữ răn nên nhớ.
Đi đến đại tôn, tiểu tôn từ đường
Lấy đủ Giáp chi, Ất chi thực lục
Trên thì hơn trăn năm, tổ khảo ta chỉ còn trong ghi chép,
Dưới thì bốn thập kỷ, anh em ta từng có được thấy nghe.
Thế thứ gần xa, ngọn ngành chính phụ,
Nghĩ sâu xem kĩ, lĩnh hội tinh thần.
Nghiên cứu rộng sâu, nhiều đường tham khảo,
Từ cành đến cội, dò mạch tìm nguồn
“ Giác hữu ngộ nhiên, tâm sự kính
Xúc nhi phát dã, bút như hoa”
(Những khi chợt hiểu, lòng như gương,
Đụng vào phát ra, bút như hoa)
Quên cả ngu tối, Viết thành phả thư.
Cao tăng tổ khảo, Tính khí mệnh mạch,
Chết mà như sống, Mất mà như còn.
Đức có thịnh chăng, Nơi đây khởi thuỷ!
Gốc ngọn đầy đủ, vạch cát in bùn,
Sau trước quán thông, liên châu thổi ống.
Cây có mạch, trên đồi núi, làm sao mà tươi tốt vững bền?
Nước có chảy vào suối hang, làm sao vừa thẳm sâu trong vắt?
Bởi thế nghĩ xa đến cuối, Bởi thế trả gốc về đâu,
Xuân thu cúng tế, thơm mâm bát,
Con cháu hiếu thảo, đẹp cửa nhà
Nên nêu rõ mà làm lời tựa sáng,
Bèn mừng vui mà những ước mong thầm.
Này nước này nhà, Này sử này phả.
Sử nước còn mãi mãi. Phả nhà dài lâu.
Truyền nhau không dứt. Mãi mãi vô cùng.
Mà: đạo lí thường xuyên trong trời đất
Nghĩa tình thông suốt tự xưa nay
Đứng đầu trăm tốt đẹp
Nguồn cội vạn điều lành là ở đây chăng?
Phàm thống tự họ Trần, bản chi nội đường, họ tên thuỵ sự, thị hiệu hoa giáp, năm sinh tháng mất, ngày kỵ tháng giỗ, phần mộ đã bia, hình thù chiều hướng, ghi chú rõ ràng, liệt kê đầy đủ.
Con cháu thảo hiền ngày sau, có ai xem cuốn phả này. Mong đừng nên cho rằng, lớp chúng ta tìm hiểu còn nông cạn, thiệp liệp còn sơ sài mà khinh bỏ nó, thế là được.
Lớp chúng ta, khi còn nhỏ đã nghe lời giảng rõ; hiển dương khai thác là điều hiếu lớn, vui vẻ vâng lời là điều hiếu nhỏ.
Thảy đều nhớ lấy, ta hằng mong vậy, các ngươi:
Nếu như biết được điều hiếu nhỏ, thì hãy nên trứơc đón lấy. Ý ta, ngẫm kỹ lời ta, thận trọng làm theo đúng việc làm của ta,
Nếu như biết được điều hiếu lớn, thì tuỳ các người tăng nhuận trùng quang, cho đầy nhà, cho vượt bếp, thì cũng là thêm gấm thêm hoa, cho rắn thêm sừng.
Há chẳng phải là con cháu thảo hiền, vun thêm gốc khơi thêm nguồn đó sao.

Ta ngày ngày mong đợi,
Con cháu hãy gắng lên!