Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng - Một sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân của người Việt

 
Tính đến nay, trận thuỷ chiến trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử lần thứ ba (năm 1288) đánh bại quân Nguyên-Mông xâm lược vừa tròn 720 năm. Những chiếc cọc gỗ- chứng tích của võ công hiển hách nay vẫn lưu lại khá đậm đặc trên mảnh đất “quan yếu” Thuỷ Nguyên (Hải Phòng)-Yên Hưng (Quảng Ninh). 

Nhiều tư liệu lịch sử về trận Bạch Đằng năm 1288 đã được các nhà nghiên cứu sưu tầm, biên soạn khá đầy đủ. Song riêng vấn đề về cọc gỗ của trận thuỷ chiến như: gỗ làm cọc được lấy từ đâu? kỹ thuật cắm hay đóng cọc ra sao? thì lại chưa thấy tài liệu nào nói rõ. Hiện mới thấy một vài thông tin sơ sài và mơ hồ rằng: cọc gỗ được đưa từ thượng nguồn về; đã phát hiện thấy vồ đóng cọc ở Quảng Ninh…
Vùng cửa sông Bạch Đằng thông sang sông Chanh, sông Kênh, sông Rút rất rộng. Theo kết quả khảo sát của các nhà sử học, khảo cổ học và bảo tàng học thì chiều dài các khúc sông để dàn cọc lên tới hơn 1km, nên số lượng cây gỗ phải huy động khá lớn. Hầu hết các cọc gỗ đều được làm từ những cây gỗ khá lớn, đường kính thân cây 20-25cm. Mỗi cọc dài trên chục mét. Lịch sử địa chất 2000 năm trở lại đây, vùng biển đông bắc nước ta đã trải qua hai lần biển tiến-biển thoái. Sự chấn động địa lý ấy đã dẫn đến sự thay đổi địa hình, địa mạo ngày nay. Do vậy, địa đồ rừng cây đại ngàn ở ven biển đông bắc từ Lạng Sơn đến Hạ Long, cách đây khoảng 700-800 năm vẫn là vùng đầm lầy rộng lớn. Bia “Thuỷ môn đình” ỏ thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn) dựng sau trận Bạch Đằng năm 1288 trên 300 năm cho biết chính Đồng Đăng khi đó vẫn còn là cửa khẩu đường thuỷ. Người ta giải thích rằng đặt tên chợ là Đồng Đăng để ghi dấu nơi đây vốn có chiếc đèn tín hiệu bằng đồng để đón thuyền bè từ ngoài khơi vào buôn bán, trao đổi hàng hoá. Ngô Thì Sĩ khi làm Tổng trấn Lạng Sơn, năm 1778, trong bài “Hý động Song Tiên” có câu: “…Tôi…dạo chơi những chốn thanh u, tìm các nơi cổ tích, rông ruổi trong rừng Hổ Báo, thả thuyền trên vực Giao Long; nghe tiếng sóng ở thác cao, xem nước triều dốc núi”, Như vậy, cách đây chưa xa, nước thuỷ triều còn vào đến Lạng Sơn, điều đó chứng tỏ cách đây trên 700 năm, vịnh Hạ Long với Lạng Sơn đều thông suốt, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển gỗ từ Lạng Sơn xuống sông Bạch Đằng. Đặc biệt, trên phố Pò Càng- thị xã Lạng Sơn hiện vẫn bảo tồn được ngôi cổ đền thờ Trần Hưng Đạo và văn bia ở đền Tả Phù gần đó, có đoạn chép rằng: “Tại đây, năm xưa, Hưng Đạo Vương đã đến khảo sát trấn địa”. Pò Càng tiếng Tày-Nùng có nghĩa là trái núi có cây mạy càng phát triển. Mạy càng là cây gỗ trắc, thân to, cao thẳng. Sự kiện Trần Hưng Đạo đến núi Pò Càng (Lạng Sơn), hay nói đúng hơn là đến rừng đại ngàn Lạng Sơn-Vịnh Hạ Long để chỉ huy và tổ chức việc khai thác, vận chuyển gỗ làm cọc bố trí trận thuỷ chiến Bạch Đằng còn được lưu truyền trong bài thơ “Vịnh cảnh quan thi xã Lạng Sơn”:
“Xưa như còn vọng tiếng hò
Tiếng người đẵn gỗ, ghép đò đâu đây
 Biển xưa để lại đất này,
Một vùng bát ngát rừng cây đại ngàn
Bạch Đằng gọi cứu giang san
Cây ngàn dựng cọc, quân dàn mặt sông
Nước non toả áng mây hồng
Rước Trần Hưng Đạo từ sông lên ngàn
Ngôi đền trên phố Pò Càng
Là nơi Người đến đại ngàn năm xưa
    Mới đây, tại buổi sinh hoạt khoa học “Tìm hiểu kỹ thuật cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng chống giặc ngoại xâm” do Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng tổ chức, tác giả Vũ Xuân Xuê đã giới thiệu kinh nghiệm cắm cọc quai đáy trên dòng chảy của dân chài làng Hạ Bì, tục gọi là làng Quát, thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (quê hương của tác giả). Theo tác giả Vũ Xuân Xuê và các cộng sự nghiên cứu đề tài “ Nghệ thuật cắm cọc sông Bạch Đằng” cho rằng: danh tướng Yết Kiêu là người đã đem kỹ thuật cắm cọc đáy của làng chài Hạ Bì ra giúp Trần Hưng Đạo áp dụng kế sách đánh giặc của Ngô Quyền thủa trước. Tướng Yết Kiếu chính là người được giao chỉ huỷ và tổ chức xây dựng trận địa cọc trên sông Bạch Đằng năm 1288. Các lý giải của tác giả khá phù hợp với huyền tích ở Thuỷ Nguyên về việc các tướng Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo- người trang Hoàng Pha ( nay thuộc xã Hoàng Động-Thuỷ Nguyên) sử dụng kỹ thuật cắm cọc đáy giúp Ngô Quyền xây dựng trấn địa cọc đánh giặc Nam Hán trên vùng cửa biển Bạch Đằng năm 938. Tục truyền, ba anh em tướng họ Lý ở Hoàng Pha vốn gốc là người trang Hạ Bì đến định cư, làm nghề đánh cá biển.
Tác giả Vũ Xuân Xuê bằng mô hình đạo cụ và biểu diễn thực nghiệm đã giới thiệu khá chi tiết và thuyết phục về kỹ thuật cắm cọc gỗ trên sông bằng thuyền dân dụng, thuyền đánh cá và nghệ thuật sử dụng cọc nháng (tre, gỗ), dây nháng (bện bằng rễ cây dứa dại, thân cây tre non chẻ nhỏ vắn lại thành thừng), que ngáng (tre hoặc gỗ), cọc kháp (khuyết)…Được biết, sông Bạch Đằng sâu, rộng và có lưu lượng dòng chảy rất lớn, nên cọc gỗ được sử dụng phải to, dài và nặng, vậy nên việc giữ yên được thuyền, giữ cho thân cọc thẳng đứng đã là một việc làm quá khó, nói gì đến việc cắm cọc, nếu không có kỹ thuật siêu việt. Kinh nghiệm cắm cọc đáy của dân chài Hạ Bì (cũng là kỹ thuật cắm cọc gỗ trên sông Bạch Đằng) đúc kết thành nguyên lý: “Dây giữ cọc, cọc giữ dây, dây giữ phương tiện (thuyền)”. Nghĩa là vấn đề cắm cọc sâu hay nông, cọc to hay cọc nhỏ không quan trọng sự chắc chắn của cọc nháng và dây nháng (có vai trò đối với cọc gỗ như những chiếc đối với  tàu thuyền, bè mảng). Kỹ thuật cắm cọc như sau: cọc lớn được thả xuống sông, đầu gốc được nhấn chìm một phần xuống mặt bùn, phần ngọn buộc một sợ dây để giữ và điều chỉnh cọc. Thân cọc được dựng theo phương thẳng đứng với mặt nước, dây nháng tiền và hậu buộc ở thân trên giữ cho cọc không bị nghiêng ngả. Cũng tại phần trên này có que ngáng buộc ngang cọc để đỡ 1 hoặc 2 người đứng lên nhún nhảy và lắc ngang thân cọc, nhấn cọc chìm sâu dần. Khi cọc cắm xuống độ sâu ổn định, chỉ cần thả dây hậu nháng và ghì thân cọc vào dây tiền nháng, vừa kéo lên và vừa lắc ngang, thân cọc sẽ nghiêng về phía thượng nguồn theo ý muốn. Khó nhất là cắm hàng cọc ngang đầu tiên, những hàng cọc phía sau bớt phức tạp nhiều vì đã có hàng cọc trước làm chỗ dựa. Theo tính toán của các tác giả, mỗi thuyền có thể cắm được hàng chục cọc mỗi ngày.
Trần Phương