Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử thời Trần - Biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên, nước chủ nhà tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ 2008 lại chọn khu di tích Phật giáo ở vùng non thiêng Yên Tử để giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống “hộ quốc, an dân” và văn hoá chính tín của đạo Phật Việt Nam. Nhân sự kiện này, Báo ANHP xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc đôi nét khái quát về các giá trị đặc biệt của khu di tích- danh thắng nổi tiếng này.

Cách đây 772 năm, khoảng 10 giờ đêm ngày 3 tháng tư năm Bính Thân (1236), vua Trần Thái Tông đã trốn khỏi kinh kỳ Thăng Long ruổi ngựa theo hướng núi Yên Tử  tìm gặp “cố giao” là quốc sư Phù Vân để đưa ra một thỉnh cầu: “Trẫm muốn vào núi là chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác”. Nhưng sư Phù Vân không một chút đắn đo, đáp rằng: “Núi vốn không có Phật, Phật chỉ có ở trong tâm, tâm lặng lẽ mà biết, ấy là tâm Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ được cái tâm ấy thì lập tức thành Phật, không phải khốn khổ cầu tìm ở bên ngoài”. Câu trả lời của Phù Vân biểu lộ quan điểm cơ bản của Thiền Việt Nam, nhất là của dòng Thiền Trúc Lâm sau này.
    Yên Tử là ngọn núi cao nhất (1.068m) trong dãy núi ở vùng Đông Bắc  nước ta chạy dài tới biển. Các triều đại phong kiến đều xếp Yên Tử vào loại “danh sơn”. Nguyên ngày xưa núi này có nhiều cây thuốc mọc tự nhiên, không ai còn nhớ vào thời kỳ nào, trên núi xuất hiện một đạo sĩ tên là  An Kỳ Sinh chuyên hái cỏ cây để luyện thuốc trường sinh bất lão. Đạo sĩ dựng trên núi một ngôi chùa nhỏ để tụng niệm. Vậy mà từ đó núi có tên là An Tử, về sau vì kiêng tên huý của An đô vương Trịnh Cương mà đọc thành Yên tử như ngày nay. Dựa vào thư tịch cổ, chúng ta biết rằng từ cuối triều nhà Lý, Thiền sư Hiện Quang, thuộc thế hệ 14 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã từng tu Phật tại đây. Nhưng Yên Tử thực sự trở thành nhộn nhịp, hấp dẫn kể từ sau đại thắng Bạch Đằng năm 1288 chống quân Mông- Nguyên xâm lược gắn với sự nghiệp tu hành của vị vua anh hùng Trần Nhân Tông- người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Dòng Thiền Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập không chỉ là sự mở đầu cho một Thiền phái thuần Việt, mà còn là một sự tiếp nối, dung hoà các dòng Thiền trước đó như: Tì-ni-đa-lưu- chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Dĩ nhiên, giáo lý Trúc Lâm có kế thừa những yếu tố tích cực của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và Thiền Tông Trung Quốc, nhưng vẫn có tính độc lập riêng như: Không phủ nhận đấu tranh giai cấp, không khuyên người đời cam chịu khổ hạnh, hướng mọi người đến cuộc sống yêu thương. Thiền Trúc Lâm chấp nhân quy luật của tự nhiên, chủ trương lăn vào cuộc sống để giảm bớt cái khổ cho chúng sinh như khoan sức dân, dùng chính tín và đạo lý làm đòn bẩy nâng cao tinh thần tự lập, tự cường của dân tộc. So với các Thiền phái thời Lý, các Thiền gia Trúc Lâm như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Pháp Loa Đồng Kiên Cương, Huyền Quang Lý Đạo Tái…không quá hư vô như một số nhà sư dòng Vô Ngôn Thông và cũng không nghiêng về phù phép ma thuật như nhiều nhà sư dòng Tì-ni-đa-lưu-chi. Việc Thái tổ nhà Trần- Trần Thái Tông và Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến tu ở Yên Tử, không đơn thuần vì ngưỡng mộ đạo Phật mà chủ yếu muốn đem uy danh và trí tuệ nâng giáo lý nhà Phật vốn được du nhập từ bên ngoài thành quốc đạo, nhằm xây dựng cho quốc dân một hệ tư tưởng dân tộc, tích cực, đủ khả năng dung hoà các tư tưởng Nho, Phật, Lão theo hướng “Tam giáo đồng nguyên”.
   Để tìm hiểu Thiền Trúc Lâm, chúng ta không thể không nghiên cứu tư tưởng của Tuệ Trung Thượng Sĩ, người đã truyền thụ giáo lý cho tổ thứ nhất- Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông. Tuệ Trung Thượng Sĩ là pháp danh của Hưng Ninh Vương Trần Tung (anh ruột Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn), một nhà Thiền học có bản lĩnh, từng lập tịnh xá tu hành, hoằng dương Phật pháp tại sơn môn Mỹ Cụ (Thuỷ Nguyên). Có một câu chuyên vui về nhà Thiền học “ăn thịt có lý luận” này được chép trong “ Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”: Một hôm, Thái hậu Thiên Cảm, em ruột của Thượng Sĩ, làm tiệc chiêu đãi. Trên bàn tiệc, Thượng Sĩ ăn cả thịt, Thái hậu thấy lạ, bèn hỏi: “Anh bàn chuyện thiền mà lại ăn thịt sao thành Phật được?” Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh, anh không muốn làm Phật, Phật cũng không muốn là anh. Chẳng thấy các bậc tu xưa đã nói: “Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát” đó sao?. Rõ ràng ý thức dân tộc và tư tưởng thân dân của quý tộc nhà Trần, có mạch sống từ những cuộc chiến tranh giữ nước đã làm cho Thiền Trúc Lâm trở thành thiền nhập thế. Giáo sư sử học Hà Văn Tấn trong công trình nghiên cứu “Nghĩ về Thiền và Thiền Trúc Lâm” đã đưa ra nhận định: “Thực ra, Phật giáo Việt Nam, do số phận lịch sử của nó, đã có tính nhập thế từ rất sớm. Dưới thời Bắc thuộc, khi Nho giáo được du nhập dưới sự bảo trợ của kẻ xâm lược, thì Phật giáo đã dần dần trở thành thứ tôn giáo của nhân dân, trực tiếp hay gián tiếp, có vai trò trong cuộc giải phóng dân tộc. Vai trò đó đã cắt nghĩa ưu thế của Phật giáo trong buổi đầu xây dựng nền độc lập dân tộc từ thế kỷ thứ X. Nhiều nhà sư đã trở thành cố vấn chính trị cho nhà vua. Sư tham gia vào việc triều chính và đối ngoại. Trong đời Lý, Phật giáo có phần thịnh vượng hơn thời Đinh- Lê, nhưng từ sau Vạn Hạnh, dừng như nó bắt đầu bỏ quên vị trí tích cực của mình. Cuối Lý, các khuynh hướng hư vô hay sa đoạ đã phát triển…Triều Trần thành lập, cùng với các chiến công giữ nước, đã thổi một luồng sinh khí mới cho Phật giáo”.
       Từ lâu, non thiêng Yên Tử đã thu hút sự chú ý của các thế hệ người Việt, nhất là những người quan tâm đến vốn văn hoá dân tộc và lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Việt Nam. Khu di tích Phật giáo Yên Tử- nơi tập hợp hàng nghìn chùa, tháp, bia, tượng…có niên đại trải dài nhiều thế kỷ, phân bố hầu khắp sườn phía Nam của non thiêng. Sau gần một thiên niên kỷ tồn tại, trong hoàn cảnh luôn bị thiên tai, địch hoạ tàn phá, những gì còn lại rất đáng được trân trọng, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để truyền cho hậu thế. Đến với non thiêng Yên Tử bằng con đường tìm về cõi Phật của người xưa, khách hành hương sẽ lần lượt được chiêm bái vẻ đẹp thần tiên, u tịch cũng như huyền tích hư hư, thực thực về suối Hổ Khê và chùa Giải Oan, được ngắm hàng tùng cổ thụ do chính tay sơ tổ Trần Nhân Tông trồng. Tiếp đó, men theo con đường mòn, du khách sẽ tới khu tháp Tổ nổi tiếng với 46 bảo tháp được dựng bằng đá xanh, cẩm thạch, hay bằng đất nung đều đã xanh rêu mốc, mà trung tâm là lăng Quy Đức- nơi chôn xá lỵ Điều ngự Giác hoàng. Tháp mộ Quy Đức có 6 tầng, cao 11m, xây bằng đá, chạm trổ tinh vi, tầng thứ 2 đặt tượng Trần Nhân Tông bằng đá cẩm thạch, trong tư thế toạ thiền khoan thai, tự tại. Từ lăng theo lối đi lát gạch cổ đưa bước chân du khách tới chùa Hoa Yên (còn gọi là chùa Cả hay chùa Yên Tử), vết tích cổ xưa và quy mô to lớn của chùa chỉ còn tìm thấy qua di sót vật liệu trang trí kiến trúc, cây đại cổ thụ bẩy, tám trăm tuổi và dấu tích của tháp Độ Nhân tráng lệ phía sau mà thôi. Từ đây, men theo sườn núi, qua suối Ngự Dội, tới am Ngoạ Vân (nay không còn nữa) bồng bềnh mây bay, thoả sức phóng tầm mắt ra tận Hạ Long xanh. Rời Ngoạ Vân, trên hành trình vượt núi giữa ngút ngàn rừng trúc , thì đến chùa Bảo Sái chung chính giữa sườn non, tiếp đến là chùaVân Tiêu đẹp đột ngột. Lách qua “cổng trời”, thấy hiển hiện hình bóng An Kỳ Sinh tu tiên đắc đạo in trong dáng núi, từ “cổng trời” leo trên dốc dựng đứng là đến tận đỉnh non cao- cảnh giới thần tiên. Ở mỏm đá cao nhất là nơi đặt ngôi chùa Thiên Trúc tự bằng đồng, nên tục gọi là chùa Đồng. Người xưa tin rằng, mỗi khi chuông chùa Đồng điểm là thấu đến Cửu trùng.
  Non thiêng Yên Tử với Thiền phái Trúc Lâm mãi mãi là biểu tượng rực rỡ của Phật giáo Việt Nam cũng như văn hiến, văn minh Đại Việt, thấm đẫm khí phách hào hùng, tính nhân bản của người Việt.