Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Hội đền Trần và lệ Khai Ấn đầu năm – Vết tích đậm đặc của Minh Triết dân gian

 

Mỗi khi Xuân về, dường như tâm tư con người lại thoáng phiêu diêu và cảm thấy gần gũi hơn với cõi “hư sinh”, với kiếp đời đã qua, với các bậc thánh thần. Trong sâu thẳm tâm hồn Việt và dòng chảy của tư duy dân gian, Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò rất đặc biệt. Mỗi khi gặp điều gì bất an, lo lắng, hoặc mong ước điều gì đó, người ta thường hay cầu viện đến tha lực linh thiêng của Ngài. Vậy nên, hội đền Trần  tổ chức vào tháng Giêng hàng năm luôn thu hút sự tham gia đông đảo của khách hành hương khắp các vùng miềm trong nước và du khách nước ngoài.

Đền Trần là tên gọi chung của cụm di tích lịch sử-văn hoá nổi tiếng ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, gồm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch. Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua nhà Trần; đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến của Ngài. Chùa tháp Phổ Minh cách đền Trần khoảng 300m về phía tây, là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông từng tu hành, thuyết pháp. Đền Trần và chùa tháp Phổ Minh được xây dựng trên nền khu cung điện Thái Thượng hoàng của nhà Trần xưa. Chùa tháp Phổ Minh không chỉ thờ Phật như mọi ngôi chùa Việt khác, mà còn phối thờ Trúc Lâm tam tổ (Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang) và Nhị vị Vương cô Trần triều. Tục truyền, đỉnh tháp Phổ Minh là nơi lưu giữ một phần “xá lỵ” của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo cổ lệ, hội đền Trần- đại lễ tháng Giêng thường được tổ chức trong 3 ngày từ 14 đến 16. Hội được mở đầu vào ngày 14 tháng Giêng bằng nghi thức rước kiệu “Ngọc lộ” từ chùa Phổ Minh sang đền Thiên Trường. Trước đó, ông trưởng họ Trần đến trước hương án thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt tại toà Thượng điện làm lễ xin rước bát nhang Phật hoàng về đền Trần hợp tế. Khi rước kiệu “Ngọc lộ” về đến sân đền Thiên Trường, vị chủ tế kính cẩn rút 5 nén nhang ở bát nhang kiệu “Ngọc lộ”, cắm vào bát nhang đặt trước thần vị vua Trần Nhân Tông trong đền. Tiếp đến buổi trưa cùng ngày, tổ chức lễ rước bát nhang tổ họ Trần và choé nước xuống đền phố Hàng Tiện-nơi thờ Đức Thánh Trần, tế cáo một tuần rồi rước về đền Thiên Trường. Cũng trong ngày 14 này, dân “hộ nhi tạo lệ” ở đền Bảo Lộc và đền Cố Trạch thực hiện nghi lễ rước kiệu Đức Thánh Trần của bản đền sang đền Thiên Trường làm lễ chầu vua.
Lệ khai ấn “Trần triều” diễn ra vào đêm 14 rạng ngày 15 tháng Giêng. Ấn “Trần triều” thường ngày được bảo quản cẩn trọng trong cung cấm đền Cố Trạch. Đúng giờ Tý (23h-1h), chủ tế dẫn đầu đoàn tế quan, cùng đại diện dòng họ Trần, các bô lão địa phương với đầy đủ nghi trượng, phường bát âm, cờ xí làm lễ rước ấn từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, đặt ấn tại ban thờ công đồng, rồi làm lễ xin khai ấn. Sau khi làm lễ xin đài được chấp thuận, vị chủ tế ngồi trang nghiêm ở chiếu giữa, bồi tế dâng ấn và tập tờ điệp đặt phía trước một cách trịnh trọng. Lúc này, chiêng trống nổi lên, tế chủ lần lượt đóng dấu son ấn “Trần triều” lên các tờ điệp cho mọi người có nhu cầu đang vây quanh vòng trong, vòng ngoài, chen chúc ngược xuôi. Người ta tin rằng những tờ điệp có dấu ấn “Trần triều” này có khả năng giúp mọi người, mọi nhà diệt trừ được tà ma, bệnh tật, tránh được mọi xui xẻo. Nhiều người  quan niệm ấn “Trần triều” chính là ấn lệnh mà Đức Thánh Trần ban cho, giúp họ điều hành, thực thi công vụ trong năm được hanh thông, thuận lợi, tránh được mọi rắc rối. Dân gian tin rằng: Đàn bà sinh sản đau yếu, con gái hiếm muộn đều do bệnh Phạm Nhan làm, hoặc là bị thạch tinh cốt khí, yêu ma qủy ám, hoặc là tiền kiếp phu thê ghen tuông mà thành bệnh. Người có bệnh đem vàng hương, trầu rượu đến các cửa điện thờ Đức Thánh Trần lễ bái, nhờ thanh đồng kêu Thánh trừ tà, đều linh nghiệm cả. Đối với những đứa trẻ hay ốm đau, sài đẹn, dân gian cho là khó nuôi, thường được bố mẹ đem “bán” cho Đức Thánh Trần trong vòng 12 năm, thậm chí người ta còn đổi họ cho con mang họ Trần, bởi người ta tin rằng dưới sự bảo trợ của Ngài đứa trẻ sẽ khoẻ mạnh và chóng lớn, tà ma quỷ dữ sẽ không làm hại được nó. Thật ra, mức độ khỏi bệnh của những bệnh nhân đến đâu, vẫn chưa được kiểm chứng, chỉ biết rằng niềm tin và tục lệ này đã tồn tại hơn 7 thế kỷ. Theo dòng chảy của thời gian, tới tận bây giờ vẫn có người bán khoán con cho Đức Thánh Trần, những người có bệnh vẫn đến đền Trần, đền Bảo Lộc, đền Kiếp Bạc và những linh từ thờ Ngài ở khắp cả nước cầu khẩn Ngài. Có lẽ, hiện tượng này chỉ có thể giải thích, kiến giải được phần nào chủ yếu trông chờ vào “minh triết” và “ cái lý” của dân gian mà thôi. Như rất nhiều vị thần linh khác, sự ra đời của Đức Thánh Trần trong con mắt dân gian mang đầy vẻ huyền diệu và khác thường; đời truyền rằng: “ Khi trước An Sinh Vương phu nhân nằm mơ thấy một ông thần “tinh vàng tướng ngọc” tự xưng là Thanh Tiên đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng xuống xin đầu thai, nhân thế có mang. Đến lúc sinh ra, Vương có hào quang sáng rực cả nhà và có mùi hương thơm ngào ngạt”. Sách “Trần Đại Vương bình Nguyên toàn biên” chép: “ Đại Vương huý là Quốc Tuấn, sinh ngày 10 tháng 12 năm Kiến Trung thứ 2 (1226). Lúc đầu, Thiên đạo quốc mẫu (Lý Thị Nguyệt-Thuận Thiên công chúa) mơ thấy một vị “Kim tinh ngọc tưởng” nói là Thanh Y đồng tử phụng mệnh Ngọc hoàng Thượng đế trao cho ấn kiếm, lại có “Tam bảo ngũ tài” nguyện làm con. Sau khi tỉnh dậy, Quốc Mẫu có thai. Lúc sinh hào quang rực cả nhà, mùi hương toả khắp. Ngày hôm sau, có đại sĩ gõ cửa xin gặp. Yên Sinh Vương ( tức Trần Liễu cha của Trần Quốc Tuấn) nói : “Tiên sinh từ xa đến có việc gì?”. Đạo sĩ đáp: “Đêm qua xem thiên văn có vì sao xa vào đây, vậy xin đến yết kiến”. Yên Sinh Vương sai bế con ra cho đạo sĩ xem. Đạo sĩ nhìn dung mạo Quốc Tuấn liền quỳ xuống bái và nói rằng: “Vị nhi đồng này ngày sau tất sẽ giúp nước cứu đời, làm quốc gia rạng rỡ”. Nói xong không thấy đạo sĩ đâu nữa”.
Ngoài lệ “Khai ấn” đầu năm, hội đền Trần còn có lệ “phát lộc nước thánh” cho con cháu dòng họ Trần trên khắp thế gian và tục tế cá “triều đầu” (cá quả), cá “long ngư” (cá chép) để nhắc nhở mọi người không được quên nguồn gốc tổ tiên. Tất cả hoạt động hội lễ linh thiêng này đều diễn ra trong không gian trải rộng giữa đền Trần với sông Hồng (chủ yếu là khu vực bến sông Hữu Bị).