Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Các vị vua Nhà Trần


1-    Trần Thái Tông – Trần Cảnh (16/6/1218 – 01/4/1277) là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử việt Nam. Ông lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất ở Đông Bộ Đầu năm 1258. Ông ở ngôi 32 năm (1225 - 1258). Ông nhường ngôi cho con là thái tử Trần Hoảng và làm Thái Thượng Hoàng 19 năm cho đến khi qua đời (chi tiết cuộc đời và sự nghiệp trị vì của ông sẽ có ở phần sau).
2-    Trần Thánh Tông – Trần Hoảng (12/10/1240 – 03/7/1290). Là vị Hoàng Đế thứ hai của nhà Trần. Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng Hậu Lý Oanh. Ngay sau khi ông được sinh ra, ông đã được lập làm Hoàng Thái Tử. Ngày 24 tháng 2 niên hiệu nguyên phong thứ 8 (tức 30/3/1258) Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng. Trần Thánh Tông lên ngôi xưng làm Nhân Hoàng. Ông ở ngôi 21 năm, đất nước được yên trị. Năm 1278 ông nhường ngôi cho Thái Tử Khâm (vua Trần Nhân Tông), làm Thái Thượng Hoàng với tôn hiệu là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế, Ông về ở Bắc cung rồi đi tu, nghiên cứu Phật học, viết sách cho đến khi qua đời (chi tiết cuộc đời và sự nghiệp trị vì của ông sẽ có ở phần sau).
3-    Trần Nhân Tông – Trần Khâm (07/12/1258 – 16/12/1308) Tự là Nhật Tốn, xưng là Hiếu Hoàng, hiệu là Trúc Lâm Đại Sỹ. Ông  là vị Hoàng Đế thứ ba của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu Trần Thị Thiều (con gái của Khâm Minh Đại Vương Trần Liễu, em gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Ông trị vì 15 năm (1278 - 1293), nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Thuyên (vua Anh Tông Nhân Hiếu Hoàng Đế) và làm Thái Thượng Hoàng 5 năm, xuất gia 10 năm, thọ 51 tuổi. Ông qua đời ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Đưa về táng ở Đức Lăng (thuộc Thái Bình). Ông được nhiều sử ký ca tụng như minh quân bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba (chi tiết cuộc đời và sự nghiệp trị vì của ông sẽ có ở phần sau).
4-    Trần Anh Tông – Trần Thuyên (17/9/1276 – 16/3/1320) tự xưng là Anh Hoàng. Ông  là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu Trần Thị, là con gái của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1292 ông được lập làm Thái tử. Vợ ông là con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Ông ở ngôi 21 năm (1293 - 1314), ông nhường ngôi cho Thái tử Trần Mạnh (vua Minh Tông) và làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi qua đời. Trần Anh Tông là một minh quân, trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước. Về văn có Trương Hán Siêu, Đoàn Như Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn. Về võ có Phạm Ngũ Lão, Lê Trung Hiển...
5-    Trần Minh Tông – Trần Mạnh (21/8/1300 – 19/02/1357) là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1314 - 1329) và làm Thái thượng Hoàng 28 năm. Mẹ là Chiêu Từ Hoàng Hậu Trần Thị, (là phi tần rất được sủng ái của vua Anh Tông), là con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Ông là người con trai duy nhất sống đến khi trưởng thành của Trần Anh Tông. Bấy giờ các Hoàng tử sinh ra đều khó nuôi, nên khi hoàng tử Mạnh chào đời, Anh Tông đã nhờ Thụy Bảo công chúa, cô ruột của Anh Tông nuôi hộ. Công chúa cho rằng mình đang bị ách vận nên đã nhờ anh ruột là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nuôi. Trần Nhật Duật coi Hoàng tư Manh như con mình và đặt tên là Thánh Sinh (con trai trưởng của Trần Nhật Duật là Thánh An, con gái là Thánh Nô). Hoàng tử được nuôi như vậy cho đến lúc lên ngôi. Ông là vị Hoàng Thái Tử đầu tiên kế vị của họ Trần mà không phải là vợ chính của vua cha sinh ra, trong khi các vị Hoàng đế của nhà Trần đến đời Anh Tông đều là con trai của chính thất Hoàng hậu sinh ra. Trần Minh Tông tuy nối ngôi còn trẻ, nhưng vốn thông minh tài trí, sự hưng thịnh của đất nước tiếp tục được mở mang làm rạng rỡ cơ nghiệp của Trần Thái Tông. Ngày 07/02/1329, Trần Minh Tông xuống chiếu Phong Trần vượng làm Thái tử. Đến ngày 15/02 ông nhường ngôi cho thái tử vượng, ông lên làm Thái Thượng Hoàng cho đến khi qua đời.
6-    Trần Hiến Tông – Trần Vượng (17/5/1319 – 11/6/1341). Ông là con trưởng của Trần Minh Tông, mẹ là Minh Từ quý Phi Lê Thị. Tuy là con đầu nhưng mẹ là Phi tần. Ông là vị Hoàng đế thứ sáu của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Trị vì 13 năm (1329 - 1341). Tự xưng là Triết Hoàng. Đặt niên hiệu là Khai Hựu. Trần hiến Tông cai trị trên danh nghĩa, nhưng việc điều khiển triều chính đều do Thái Thượng hoàng Trần minh tông giải quyết xử lý. Mùa đông năm 1329 người Ngưu Hồng nổi dậy chiếm đất cõi Đà Giang, Thái Thượng Hoàng Minh Tông thân chinh đi đánh dẹp. Trong thời gian Hiến Tông trị vì, đất nước có nhiều thiên tai động đất, bão, lũ, lụt lớn xảy ra. Về Văn hóa và một số ngành khoa học như Thiên văn, Lịch pháp, Y học cũng có những thành tựu đáng kể. Năm Khai Hựu thứ 13 (1341) ngày 11/6 ông qua đời, thọ 22 tuổi. Sau khi ông qua đời Thượng Hoàng Trần Minh Tông chọn người con thứ của Hiển Từ Hoàng Hậu là Hoàng tử Trần Hạo – Trần Dụ Tông lên nối ngôi.
7-    Trần Dụ Tông – Trần Hạo (19/10/1336 – 25/5/1369). Là vị vua thứ bảy của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ở ngôi 28 năm (1341 - 1369). Ông lên ngôi Hoàng đế từ khi còn ấu thơ, tự xưng là Dụ Hoàng. Lấy niên hiệu là Thiệu Phong.  Thượng Hoàng Trần Minh Tông nắm mọi quyền bính, do đó đất nước thịnh trị, ổn định. Nhưng sau khi Minh Hoàng qua đời, Trần Dụ Tông chấp chính đổi niên hiệu là Đại Trị. Triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu nền chính trị nhà Trần về sau. Lúc này nhà Nguyên đang đại loạn, cho sứ giả sang nhờ triều đình nhà Trần cứu viện. Nhưng triều đình thấy hỗn loạn nên không tham gia, tuy nhiên ông cũng điều quân lên biên giới phòng ngự để tránh bạo loạn. Ở phía nam quân Chiêm Thành nhiều lần cho quân sang cướp các vùng Thanh hóa, Hóa Châu. Dụ Tông ra sức đốc quân lính bảo vệ biên cương nhưng vẫn ở thế giằng co. Tuy hăng hái về chính sự, nhưng Dụ Tông lại thích hưởng lạc, cho xây nhiều cung điện, thích đánh bạc, nuôi chim thú lạ. Vì mải chơi bời nên đến khi mất vẫn không có con nối dõi và đã truyền ngôi cho kẻ gian là Dương Nhật Lễ. Sau nhờ có Trần Nghệ Tông giành lại được. Năm 1369 Dụ Tông băng hà ở Quang triều cung, thọ 34 tuổi. An táng tại Phụ Lăng, Thụy hiệu là Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu hoàng Đế. Dụ Tông không có con, trước khi mất, để lại di chiếu lập người con người anh là Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục (vốn đã qua đời vào năm 1364) là Nhật Lễ lên kế vị. Trong triều muốn lập người anh khác của Dụ Tông là Cung Định Vương Trần Phủ lên kế vị. Nhưng Hiến Từ hoàng Thái Hậu nhất định đòi lập người con của Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục là Dương Nhật Lễ lên ngôi. Vì bà cho rằng Nhật Lễ là con người con trai lớn, cháu đích tôn lên kế vị là hợp lý. Nguyên mẹ của Nhật Lễ là một đào hát, lấy một kép hát bội là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương sinh ra Nhật Lễ. Triều thần không tán thành vì cho rằng Nhật Lễ là người họ Dương, nhưng Hiến từ Hoàng Thái Hậu cho là con của Cung túc Vương Trần Nguyên Dục. Tháng 6 năm 1369 Nhật Lễ được lên ngôi hơn một năm thì bị tông thất nhà Trần hội nhau khởi binh về bắt giết Nhật Lễ, rước Cung Định Vương lên kế vị, tức Trần Nghệ Tông.
8-    Trần Nghệ Tông – Trần Phủ (tháng 12/1321 – 15/12/1394) hoặc Trần Thúc Minh còn gọi là Nghệ Hoàng. Là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi hai năm (1370 - 1372), làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời. Nghệ Tông là vị Hoàng đế có quyền lực tối cao cuối cùng của hoàng tộc họ Trần. Ông có công lớn lật đổ Dương Nhật Lễ và khôi phục lại cơ đồ cho triều đại nhà Trần. Tuy nhiên ông cũng chịu trách nhiệm chính cho việc hoàng vị họ Trần rơi vào tay của ngoại thích Lê Quý Ly, em họ bên ngoại của ông, do lúc sinh thời ông đã dung túng Quý Ly giết hại tôn họ Trần. Do đó, dẫu được ca ngợi là “công nghiệp lớn lao” ông cũng bị sử sách phê phán là nhu nhược, “nối giáo cho giặc” làm cho cơ nghiệp nhà Trần đến thời kỳ cáo chung. Năm 1372 Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Duệ Tông, lên làm Thái thượng hoàng.
9-    Trần Duệ Tông – Trần Kính (30/6/1337 – 04/3/1377) là vị Hoàng đế thứ chín của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là hoàng tử thứ 11 của Minh Tông Duệ Hiếu Hoàng Đế, tước hiệu hoàng tử là Cung tuyên vương,  mẹ là Đôn Từ Quý Phi Lê Thị, em gái của Minh Từ Quý Phi, người cùng mẹ với chính thất của Minh tông là Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng Hậu Trần Thị. Ông là họ hàng của Lê Quý Ly (Lê Quý Ly gọi mẹ ông là cô ruột). Ông ở ngôi được 5 năm, năm 1377 ông bị tử trận trong một cuộc tiến công quân Chiêm Thành, dưới sự lãnh đạo của Chế Bồng Nga, quân Chiêm Thành đã đánh chiếm tận kinh sư. Họa Chiêm Thành chỉ lắng xuống khi quân Đại Việt dưới quyền Trần Khát Chân thắng lớn vào năm 1390. Trần Duệ Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị tử trận khi đương quyền. Duệ Tông Hoàng Đế có lòng dũng cảm, mong muốn chấn hưng Đại việt đã bị tàn phá dưới thời Dụ Tông, Dương Nhật Lễ. Muốn trấn áp kẻ thù từ thời khai quốc của Đại việt là Chiêm Thành. Nhưng vì quá nóng vội muốn đánh bại kẻ địch nên đã bị bại trận và bị xem là yếu ớt nhược tiểu. Do ông là tấm bình phong lớn nhất cho dòng tộc nhà Trần khi đó, việc ông bị tử trận khiến Thượng hoàng Trần Nghệ Tông  khiếp đảm, sau này hễ Chế Bồng Nga tiến đánh là cùng Hồ Quý Ly bỏ kinh thành chạy dài. Trận thua lớn ở Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn, Quy Nhơn, Bình Định) khiến thế nước Đại việt suy kém, những người kế vị đều vô tài, nhà Trần ngày càng suy. Trần Nghệ Tông thấy ông vì việc nước bỏ mình, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và lập con trưởng của ông là Kiến Đức Đại Vương Trần Hiện lên nối ngôi, tức Trần Phế Đế.
10-           Trần Phế Đế - Trần Hiện (06/3/1361 – 06/12/1388) cải niên hiệu thành Xương Phù nên còn gọi là Xương Phù Đế hay Trần Giản hoàng, là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Sách sử nhà Minh gọi Trần Phế Đế là Trần Vỹ hoặc Trần Nhật Vỹ. Ông ở ngôi từ năm 1377 đến năm 1388 thì bị Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phế truất. Ông là con thứ của Duệ Tông, mẹ là Gia Từ Hoàng Hậu Lê Thị, em gái của quyền thần Lê Quý Ly. Ông gọi Trần Nghệ Tông là bác. Năm 1381 Giản Hoàng mở khoa thi Thái học sinh, song lại lựa chọn những người khỏe mạnh ra nhập quân đội, việc làm này không những đi ngược với tiền triều mà còn làm mất lòng dân, nản lòng binh sĩ. Tháng 6 năm 1377 Chiêm Thành là Chế Bồng Nga liên tục đánh chiếm, cướp phá Đại việt và đánh thẳng vào Thăng Long. Triều đình hốt hoảng bỏ kinh thành lánh nạn. Chế Bồng Nga cướp phá một chập rồi rút về. Tháng 5 năm 1378 Chế Bồng Nga lại tiến quân sang đánh Nghệ An rồi theo sông Đại hoàng cướp phá Thăng Long một lần nữa, thượng hoàng Nghệ tông lại phong Đỗ Tử Bình làm hành khiển và giao cầm quân, nhưng chưa đánh đã tan. Đến năm 1380 rồi năm 1382 quân Chiêm lại tiến đánh Đại Việt, song bị đánh lui. Tháng 6 năm 1383 chiêm Thành lại tiến đánh Đại việt theo đường núi. Thượng hoàng Nghệ Tông hốt hoảng sai tướng Mật Ôn ra giữ ở Tam Kỳ, nhưng Mật Ôn thua trận bị Chiêm Thành bắt sống. Nghệ Tông lại sai Nguyễn Đa Phương trấn giữ kinh thành, còn mình và Giản Đế chạy sang Đông ngàn. Quân Chiêm Thành một lần nữa tràn vào kinh thành cướp phá. Đến năm 1388 thì quân Chiêm rút về. Nghe lời Đỗ Tử Bình, triều đình tiếp tục cho tăng sưu thuế để cứu kho tàng trống rỗng vì chiến tranh, bắt mỗi suất đinh đóng 3 quan tiền thuế, khiến nhân dân ngày càng cực khổ. Mặt khác nhà Minh nhòm ngó Đại Việt, Minh Thái Tổ đòi 5.000 thạch lương để cấp cho Vân Nam, đòi cống nạp các loại sản vật quý hiếm và xin mượn đường sang đánh quân Chiêm. Năm 1388 Duệ Tông bị phế truất vì có mưu đồ trừ khử Hồ Quý Ly. Trần Nghệ Tông lập con nhỏ của mình là Trần Thuận Tông kế vị. Nghệ Hoàng tiếp tục nắm giữ đại quyền họ Trần trong thời gian dài. Trong thời gian này, Quý ly tìm cách gây dựng thanh thế, giật dây khiến Trần Nghệ Tông xuống tay trừ các đối thủ chính trị của mình, đặc biệt là các Tôn thất hoàng tộc họ Trần. Năm 1394 Nghệ Hoàng bệnh nặng và biết rõ dã tâm của Hồ Quý Ly nên đã sai người vẽ tranh Tứ phụ, lấy các tích cổ việc Chu Công giúp Chu Thành Vương, Hoắc Quang giúp Hán Chiêu Đế, Gia Cát Lượng giúp Thục Hán hậu chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông là có ý răn đe Quý Ly trợ giúp Thuận Tông, từ bỏ dã tâm. Hồ Quý Ly khóc tạ theo. Cuối năm ấy Nghệ Hoàng qua đời. Hồ Quý Ly năm đại quyền trong tay, phế bỏ Trần Thuận Tông, trừ đi các Tôn Thất cản đường là Thượng tướng Trần Khát Chân và Thái Bảo Trần Nguyên Hãng. Đến năm 1400 Hồ Quý Ly cướp ngôi, lập ra triều đại nhà Hồ.
11-           Trần Thuận Tông – Trần Ngung (1377 – tháng 4/1399) Là vị hoàng đế thứ 11 của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1388 đến khi bị ép nhường ngôi năm 1398. Ông là con út của Trần Nghệ Tông (không rõ mẹ là ai). Còn nhỏ được phong là Chiêu Định Vương. Khi lên ngôi tự xưng là Nguyên hoàng. Ông lên ngôi còn nhỏ tuổi, mọi việc đều do Thượng Hoàng Trần Nghệ tông nắm giữ điều hành. Tuy nhiên mọi ý kiến sắp đặt đều bị ảnh hưởng bởi Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly tiếp tục chuyên quyền, sau khi gả con gái là Hồ Thánh Ngâu cho ông, gài các tay chân thân tín nắm giữ các chức vụ then chốt trong quân đội và trong triều đình, khiến triều đình nằm cả trong tay Quý Ly. Năm 1396 Thuận Tông Hoàng Đế xuống chiếu định lại cách thi cử nhân, dùng thể văn bốn kỳ thay cho ám tả cổ văn. Thuận Tông lại cho phát hành tiền giấy, cho mọi người đem tiền đồng đến quy đổi, một quan tiền đồng được 1,2 quan tiền giấy. Năm 1397 Hồ Quý Ly ép thuận Tông rời đô về An Tông phủ Thanh hóa. Nguyễn Nhữ Thuyết can rằng “An tôn là đất chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy hiểm được thôi”, nhưng quý Ly không nghe, quyết định rời đô, đổi trấn Thanh hóa thành Thanh Đô, bổ nhiệm các chức tổng quản, thái thú. Năm 1398 Quý Ly ép Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử Trần An để lên làm Thái thượng hoàng và khuyên ông đi tu theo đạo giáo. Chiếu nhường ngôi viết: “ Trẫm trước vốn mộ đạo, không có bụng làm vua, không có đức mà giữ ngôi thực khó làm nổi, huống chi bệnh thần kinh thường phát ra, thờ cúng và chính sự đều không làm được. Lời thề nguyền trước trời đất quỷ thần đều nghe. Nay nhường ngôi để vững nghiệp lớn, Hoàng thái tử An có thể lên ngôi hoàng đế. Phụ chính thái sư Lê Quý Ly là quốc tổ nhiếp chính, Trẫm tự làm thái thượng nguyên quân hoàng đế, tu dưỡng ở cung Bảo Thanh để thỏa chí xưa”.
12-           Trần Thiếu Đế - Trần An (sinh 1396 mất không rõ năm nào) Tháng 3 năm 1398 Thái tử An lên ngôi khi đó mới 2 tuổi, tức Trần Thiếu Đế, mẹ là Khâm Thánh hoàng hậu Lê Thánh Ngâu – con gái lớn của Lê Quý Ly, trở thành Hoàng thái hậu. Thuận Tông Hoàng đế được tôn hiệu là thái thượng nguyên quân Hoàng đế. Ông là vị Hoàng đế thứ 12 và là vị Hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Lúc Thiếu Đế lên ngôi, thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã băng hà, quyền thần Lê Quý Ly cũng là ông ngoại của Thiếu Đế, càng nôn nóng muốn tước đoạt ngôi vị nhà Trần. Năm 1400 Thiếu Đế khi đó mới 4 tuổi bị buộc phải nhường ngôi, sự kiện như Hán Hiến Đế Lưu Hiệp nhường ngôi cho Tào Phi (con Tào Tháo). Thiếu Đế bị phế, nhưng vì là cháu ngoại của Hồ quý Ly nên không bị giết, chỉ bị giáng xuống làm Bảo Ninh Đại vương. Triều đại nhà Trần chính thức bị soán vị sau 175 trị vì Đại việt. Sau này nhà Minh sang tiêu diệt nhà Hồ thì số phận của ông không rõ.