Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Ghi chép về nhà thờ họ Trần thôn Hoàng Xá


Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX:
    Từ đời cụ thủy tổ Trần Phúc Nhân, các bậc tiên tổ vốn thờ chung trong một nhà thờ ở nhà Trần Quang Mạch, sau đó vào đời vua Vĩnh Hựu anh em bất hoà với nhau, bèn lập ra hai chi: chi Giáp và chi Ất có từ đường riêng, ai nấy thờ cúng. Đến khoảng thời Thiệu Trị (1740-1747), từ đường đôi chi lại hợp làm một  tại từ đường nhà ông Trần Quyền. Hai ngôi từ đường cùng thờ phụng tổ tiên, nay hợp lại để cúng tế, thế nhưng chẳng được bao lâu thì lại thôi không hợp nữa. Cho đến khoảng năm thứ tư, thứ năm đời vua Tự Đức (1848-1883), hai từ đường lại một lần nữa hoà hợp với nhau ở từ đường nhà Trần Quyền (Trần Quyền có phải là Trần Hữu Quyên trưởng ngành ÔN CHẤT đời thứ 9?)

Từ thế kỷ XX:
    Nhà thờ họ Trần thôn Hoàng Xá tọa lạc trên khu đất đẹp tại trung tâm của làng, gần nhà thờ Chi Ất hiện nay, đồng thời cũng gần nhà cụ Bá Vấn - một người giầu có và tiềm lực vào loại mạnh nhất trong làng.
Năm… (trước năm 1945) Cụ Quang Xưởng đã bán nhà thờ họ cho Cụ Bá Vấn (có thể do cụ Bá Vấn tư vấn để lấy tiền chạy chức Lý trưởng trong làng, với mục tiêu để hạ cụ Lý Thìn vốn là bậc cha chú trong họ Đặng nhưng không ưa cụ Bá Vấn đồng thời muốn thâu tóm toàn bộ khu đất đẹp ở trung tâm làng). Sau khi bán nhà thờ, chạy được chức Lý trưởng, Ông Xưởng đã mua một mảnh đất khá hoang vu ở cuối ngõ nhà ông Trần Quang Điển hiện tại, giáp với đất Đình Tràng, làm nhà thờ tranh tre, nền đất. Cụ Xưởng có nói “ con cháu ở đâu tổ tiên ở đó” song rất nhiều người trong họ đã phản đối việc bán nhà thờ của ông Xưởng và đã tẩy chay không đến lễ ở nhà thờ do ông Cựu Xưởng làm (cụ Lý Quốc, Trưởng Oánh, Hai Bè, Nhang Tài...). Do vậy, nhà thờ họ đã không được cung tiến tôn tạo trong một thời gian dài.
Năm… cụ Trần Quang Sắc – con trưởng của cụ Quang Xưởng có xây dựng tôn tạo nhà thờ: từ nhà tranh tre sang nhà tường gạch lợp rạ.
Sau khi cụ cả Sắc mất, cụ bà Cao Thị Đốc vào ngày 15/10/1998, đã di chúc cho con gái là Trần Thị Thoa toàn bộ nhà thờ họ và có dành một mảnh đất phía trước sân để trả họ lấy đất làm nhà thờ (cụ Cả Sắc có  một con trai và một con gái. Con trai là Trần Quang Khải đi bộ đội bị hy sinh).
Năm… cụ Quang Chí con thứ 3 cụ Cựu Xưởng đã gửi 20 triệu để cung tiến cho họ để họ giải quyết đất cho nhà thờ họ.
Họ có cân nhắc mua mảnh đất khoảng 200m2 với giá 30 triệu của ông Hai Đầm, song không đủ tiền trong khi đó ông Điển và bà Thoa không đồng ý chi tiền. Quan điểm lúc đó của họ: Cụ Cựu Xưởng bán nhà thờ thì con cháu cụ Xưởng phải tự lo đất nhà thờ cho họ còn việc tôn tạo nhà thờ sẽ do họ lo.
Thời điểm đó, ông Vinh là em ông Điển người đang ở nhà của Cụ Trần Quang Tố -  Ông Điển lúc đó ở một ngôi nhà nhỏ phía sau nhà thờ họ trên mảnh đất cụ Đốc trao trả lại cho ông Quanh Tố. (Đất cụ cả Sắc cho cụ Quang Tố một phần. Cụ Tố mua được đất làm nhà, đã cho phần đất đó cho cháu Trưởng Trần Quang Khải. Nay Trần Quang Khải đã hy sinh, cụ Đốc trả lại phần đất đó cho con trưởng ông Tố là Quang Điển). Hai anh em Điển Vinh đã đồng ý nhận 20 triệu để Ông Vinh chuyển đi, ông Điển thừa kế Trưởng họ về ở nhà của ông Trần Quang Tố. Ông Điển vào thời điểm đó đã có ý kiến với họ để họ sử dụng ba gian nhà ngoài, một gian buồng và khu vực sân thẳng 4 gian nhà để làm nơi thờ cúng và sinh hoạt của họ (với tổng diện tích là 106 m2) và xin rước tổ về thờ tại nhà mình. Cùng vào thời điểm đó bà Thoa cũng có ý kiến trả phần đất theo di chúc cho họ.
Sau khi bàn bạc, Hội đồng gia tộc và cả họ đã đồng ý với ý kiến ông Điển, ngày 17/1/2000 một bản thỏa thuận đã được ký kết (GIẤY DÀNH RIÊNG QUYỀN SỬ DỤNG NHÀ ĐẤT (có chữ ký của ông Điển, ông Vinh em trai ông Điển). Lễ rước tổ về nhà thờ mới (nhà ông Điển) đã được cử hành trang trọng, cả họ đều rất vui vẻ.
Tuy vậy thời gian vui vẻ kéo dài chẳng được bao lâu. Năm …Quang Vinh đã thay đổi thỏa thuận trả lại 20 triệu cho vợ cụ Trí là cụ Tiến (là dì ông Dụng). Năm … họ có kế hoạch tôn tạo nhà thờ, xây bức cuốn thư ở phía trước song ông Trưởng Điển đã không đồng ý. Đồng thời ông Điển cũng không đồng ý với việc tôn tạo, nâng cấp nhà thờ.
Sau khi vụ việc xẩy ra, nhiều thành viên chủ chốt trong họ lại tẩy chay nhà Trưởng (cụ Hợp, cụ Bùng, cụ Đĩnh, cụ Cảnh, cụ Hán…) không đến lễ ở nhà thờ nữa.
Năm 2012 tại ngày giỗ tổ 13/8, vấn đề đất nhà thờ họ là một nội dung trọng tâm để bàn bạc giải quyết. Họ đã nhất trí: tiến hành trao đổi với bà Thoa để bà Thoa đồng ý trả đất của nhà thờ cho họ (theo di chúc của mẹ bà Thoa) Nếu bà Thoa không đồng ý thì họ sẽ tiến hành kiện. Một Ban vận động đã được thành lập bao gồm (cụ Chấn, ông Thọ Hùng, ông Điển, ông Trạch….) Họ đã có đơn gửi chính quyền địa phương về vấn đề đất nhà thờ họ Trần với chính quyền địa phương. Hiện nay đất của bà Thoa cũng chưa được giải quyết sổ đỏ.
Đến ngày giỗ tổ 13/8/2013, vấn đề đất nhà thờ họ vẫn không có tiến triển (không gặp được bà Thoa để trao đổi???, người giải quyết chưa nhiệt tình, sốt sắng).
Tại buổi họp ngày giỗ tổ 13/8/2013, cụ Hợp đã phát biểu: Việc đất xây dựng nhà thờ bàn đã lâu song đến hiện nay vẫn chưa đâu đến đâu. Để giải quyết nhanh, gọn đất nhà thờ họ, Chi Ất có ý kiến với họ là xin hiến khu ao nhà thờ chi Ất cho họ để xây dựng nhà thờ họ (đây là đất của chi Ất nhưng cũng là đất của tổ tiên để lại, trưởng chi Ất – Hữu Du có ý kiến trả khu ao cho họ), hoặc hợp nhất hai nhà thờ làm một. 
Sau khi bàn bạc và nghe ý kiến phân tích phát biểu của nhiều thành viên, họ đã thống nhất: không hợp nhất hai nhà thờ mà tiến hành xây dựng nhà thờ họ trên khu ao của nhà thờ chi Ất. Giao HĐ gia tộc thành lập Ban xây dựng để nghiên cứu xây dựng kế hoạch chi tiết để thông qua họ và chỉ đạo thực hiện kế hoạch đã được thông qua.